Vỡ đập ở Ukraine: Người dân mất nhà cửa, nguy cơ dịch bệnh do lũ lụt

Ukraine cho biết trận “đại hồng thủy” sẽ khiến hàng trăm nghìn người không có nước uống, hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp bị ngập nước, đồng thời cũng sẽ biến ít nhất 500.000 ha đất đai ở thượng nguồn sông Dnipro thành "sa mạc" do không được tưới tiêu.

Hàng chục nghìn người dân trụ lại ở 2 bên chiến tuyến tại Kherson giờ phải đối mặt thêm với lũ lụt do con đập thủy điện ở đây bị phá hủy. Ảnh: Reuters

Ở những vùng lụt, người dân phải lội qua những con đường ngập nước và phải cõng trẻ em trên vai, cũng như mang theo đồ đạc đựng trong túi nhựa. Lực lượng cứu hộ đã sử dụng thuyền cao su để tìm kiếm những nạn nhân ở khu vực nước dâng cao quá đầu người.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một bài phát biểu qua video rằng không thể dự đoán có bao nhiêu người sẽ chết ở các khu vực lũ lụt, đồng thời kêu gọi "thế giới phản ứng rõ ràng và nhanh chóng" để hỗ trợ các nạn nhân.

Vụ vỡ đập Nova Kakhovka hôm thứ Ba xảy ra khi Ukraine chuẩn bị một cuộc phản công lớn trong cuộc xung đột với Nga. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau gây ra vụ việc này. Kiev cho biết quân đội của họ đã phản công ở thị trấn Bakhmut thuộc miền đông Ukraine. Nga cho biết họ đã ngăn được cuộc tấn công.

Oleksiy Danilov, thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết các cuộc tấn công đang diễn ra vẫn còn cục bộ và cuộc tấn công toàn diện vẫn chưa bắt đầu. "Khi chúng tôi bắt đầu, mọi người sẽ biết về nó, họ sẽ thấy nó", ông nói.

Kiev cho biết vài tháng trước rằng các lực lượng Nga đã kiểm soát con đập ngay từ đầu cuộc chiến và có thể đã cho nổ tung nó để cố gắng ngăn chặn lực lượng Ukraine vượt qua sông Dnipro trong cuộc phản công.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine phá hủy con đập theo gợi ý của phương Tây, cho rằng đây là “tội ác chiến tranh” làm leo thang xung đột. Ông Putin mô tả vụ việc là một "thảm họa môi trường và nhân đạo", theo thông báo của Điện Kremlin.

Hiện, vẫn chưa có bên nào đưa ra bằng chứng công khai chứng minh ai chịu trách nhiệm. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng con đập có thể bị sập do tác động của cuộc giao tranh và việc không được bảo trì.

Hình ảnh vệ tinh vào ngày 7 tháng 6 cho thấy vùng nước lũ đã lan rộng ở các khu vực hai bên con sông Dnipro, Kherson, Ukraine. Ảnh đồ họa: Reuters/Copernicus

Các lực lượng Nga đã áp đặt tình trạng khẩn cấp tại các khu vực thuộc tỉnh Kherson mà họ kiểm soát, nơi có nhiều thị trấn và làng mạc nằm ở vùng đất thấp lộ thiên bên dưới con đập. Tại thị trấn Nova Kakhovka bên cạnh con đập, nước màu nâu đã nhấn chìm các khu phố chính và hầu như không còn người ở.

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Thị trưởng Vladimir Leontyev cho biết rằng hơn 30.000 mét khối nước tuôn ra từ hồ chứa của con đập mỗi giây và thị trấn có nguy cơ bị ô nhiễm từ dòng nước lũ.

Trong khi đó, Tổng thống Zelenskyy hôm thứ Tư cho biết ông "sốc" trước điều mà ông gọi là thiếu viện trợ của Liên hợp quốc và Hội Chữ thập đỏ đối với các nạn nhân của thảm họa cho đến nay. Ngay sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter rằng "trong vòng vài giờ tới, chúng tôi sẽ gửi viện trợ để đáp ứng nhu cầu trước mắt".

Văn phòng các vấn đề nhân đạo của LHQ cho biết, một nhóm đã có mặt ở Kherson để điều phối các nỗ lực cứu trợ. Tiếp cận với nước uống là một mối quan tâm lớn và khoảng 12.000 chai nước và 10.000 viên lọc đã được phân phối cho đến nay người dân.

Hoàng Anh (theo TASS, Reuters)