Cần những gói hỗ trợ tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp

Chiều 22/7, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Phát biểu thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2021. Các đại biểu cho rằng, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt được là rất đáng trân trọng. Các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ tán thành với phương hướng 6 tháng cuối năm mà Chính phủ đã báo cáo.

Quang cảnh phiên họp Tổ 14, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Tĩnh và Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: QH)

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (ĐBQH TP Hải Phòng), trong thời gian tới phải tập trung cao độ vào việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các nút thắt về thể chế, sửa đổi các Luật; phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn mà thông qua họ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt khác tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhấn mạnh lợi thế với 100 triệu dân, Việt Nam đang là thị trường rất hấp dẫn nhưng trên thực tế hàng hóa trong nước, thị trường trong nước chưa được chú ý, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, có tâm lý làm cái gì cũng chủ yếu nghĩ đến xuất khẩu. “Nếu chúng ta bỏ quên thị trường trong nước là sai lầm, đến một ngày chính người Việt sẽ quay lưng với sản phẩm trong nước, trong khi tốn bao nhiêu chi phí mới xuất khẩu được ra nước ngoài thì trong nước lại không chú trọng”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm đạt được là rất khả quan, tăng trưởng GDP đạt 5,64%; CPI là 1,47; thu ngân sách đạt 58,3%. “Ba con số này theo tôi rất ấn tượng. GDP mặc dù ko phải là cao so với mục tiêu nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy kinh tế vẫn có đà đi lên. Đáy nền kinh tế rơi vào quý II/2020, từ đó tới nay đang có xu hướng từ đáy và đang đi lên. Nếu có biện pháp tập trung khống chế dịch tốt, không để dịch lây lan quá mức hơn nữa, trầm trọng hơn thì tôi kỳ vọng rằng với đà tăng trưởng kinh tế như vậy, chúng ta sẽ giữ được”, đại biểu nói và bày tỏ đồng tình với việc Chính phủ tập trung cao độ vào phòng chống dịch COVID-19.

Trong 6 tháng cuối năm, đại biểu Cường cho rằng Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc sử dụng công cụ tài chính và tài khóa. “Công cụ tài chính liên quan tới việc giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Giai đoạn đầu năm, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của doanh nghiệp chênh lớn. Gần 1 tháng nay, các ngân hàng thương mại đang rục rịch giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, đây là dư địa cần phải tiếp tục giảm hơn nữa”, đại biểu nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, để bứt phá lên và đón được các xu hướng kinh tế thế giới thì phải có nguồn đầu tư lớn, mới hoàn toàn.

“Nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp với kinh tế thế giới khi kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi nhanh, nhiều quốc gia đã và sắp đạt miễn dịch cộng đồng, mở cửa nên kinh tế rất nhanh. Nếu chúng ta không đẩy nhanh phục hồi của doanh nghiệp thì việc lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu. Vì vậy, giai đoạn tới, Chính phủ cần giải pháp mạnh hơn, tôi thấy rất cần các gói hỗ trợ, nhưng không phải theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” như thời gian qua mà phải có những gói hỗ trợ tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, nếu doanh nghiệp có được các nguồn lực tốt thì có thể thay thế các chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy trên thế giới, mua lại dây chuyền, công nghệ quốc tế.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cũng cho rằng dịch COVID-19 có khả năng còn kéo dài, mất nhiều thời gian để khắc phục nên cần có chiến lược dự báo khoa học phù hợp, sát thực tế để phục vụ tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới. “Dịch tác động rộng lớn làm thay đổi hành vi nhận thức của các tầng lớp nhân dân, thay đổi các dự báo của các nước trên thế giới nên nếu không có giải pháp khoa học thì rất khó”, đại biểu nói.

Đại biểu Phương đề nghị kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thể chế để đảm bảo cơ chế thông thoáng cho phát triển, đặc biệt là về thủ tục hành chính. Về vấn đề bộ máy, đại biểu cho rằng cần có giải pháp để hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, giảm tầng cấp trung gian./.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Minh Thư