'Cha đẻ' giống gạo ST25: ưu thế chất lượng cao của gạo Việt đang bị 'đe dọa'

Gạo chất lượng cao của Việt Nam đang bị “đe dọa” bởi người Thái. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” được tổ chức hôm 24-11, ở tỉnh Hậu Giang, kỹ sư Hồ Quang Cua, người được xem là “cha đẻ” của giống gạo ST25 – đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2019 – cho biết, chương trình lúa chất lượng cao được Viện nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long khởi xướng cách đây 30 năm (1993) chính là nền tảng tạo ưu thế cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam như hiện nay.

Theo ông, qua 6 lần dự hội nghị lúa gạo quốc tế, các đối tác cũng thừa nhận vị thế ngành lúa gạo Việt Nam đang ngày càng tăng. “Thống kê sản lượng gạo xuất khẩu cũng cho thấy vị thế hạt gạo Việt Nam đã tăng hơn so với trước đây rất nhiều”, ông cho biết và dẫn chứng, năm 2021 và 2022, gạo mền cơm (gạo chất lượng cao) và nếp chiếm khoảng 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam .

Ông Cua cho biết, gạo chất lượng cao (các giống OM 5454, OM 18, Đài Thơm 8…- PV) của Việt Nam chiếm ưu thế vì đáp ứng được thị hiếu nhu cầu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu, trong khi đây là phân khúc thời gian qua ái Lan và Ấn Độ (vốn là hai đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam trong ngành lúa gạo – PV) chưa làm được.

“Cha đẻ” giống ST25 cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian gần đây có lúc cao hơn Thái Lan 80-90 đô la Mỹ/tấn cũng chính là thành tựu từ chương trình được khởi xướng từ 30 năm trước. “Điều này, ban đầu người Thái rất ngạc nhiên, nhưng gần đây họ có chủ trương và bắt đầu lai tạo ra những giống chất lượng như Việt Nam”, ông Cua cho biết.

Theo ông, vào năm ngoái, ở Phuket (Thái Lan), các đơn vị liên quan của quốc gia này đã công bố giống chất lượng cao cùng phân khúc Việt Nam. Mục tiêu của Thái Lan đến năm 2025, sẽ có 12 giống, trong đó, 6 giống đã được sản xuất thành công, bao gồm 2 giống thơm nhẹ, 2 giống mền cơm và 2 giống thường. “Dĩ nhiên, thành tựu đó muốn ra giá trị thương mại cũng phải 5 năm nữa, chứ không phải ra liền được”, ông nói.

Từ vấn đề nêu trên, ông Cua gợi ý, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần có biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn giống hay nói cách khác là bảo vệ chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Muốn vậy, về phương diện sở hữu trí tuệ cần ngăn chặn tình trạng một số đơn vị tư nhân thao túng, lấy lúa ngang làm giống (lấy lúa thương phẩm dùng chế biến xuất khẩu để làm giống – PV). “Quy chuẩn Việt Nam quy định mỗi 1.000 hạt giống chỉ được lẫn 3 hạt giống khác loại. Thế nhưng, quy chuẩn đặt ra rồi mà chúng ta không quản lý là một nguy cơ rất lớn”, ông cho biết.

Nếu nguy cơ nêu trên xảy ra, sẽ dẫn đến sự thay đổi dần dần chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, và có khả năng đánh mất vị thế gạo chất lượng cao của Việt Nam về tay Thái Lan.

Ông Hồ Quang Cua khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các địa phương tăng cường quản lý giống để bảo vệ ngành lúa gạo.

Ông dẫn chứng câu chuyện giống Khao Dawk của Thái Lan từ năm 1992 đến 1997 nhà nước để nông dân tự nhân giống, không tiến hành lai tạo nhưng giống tự thoái hóa khiến chất lượng gạo đi xuống, thương lái không mua. Ở Giang Thành (Kiên Giang), cách đây một năm có một hộ nhà nông mua nhầm giống ST25 giả (giống có lẫn tạp – PV) và canh tác trên diện tích khoảng 100 héc ta. Sau khi thu hoạch lúa, hộ nhà nông này đã bị thiệt hại trung bình 2.000 đồng/kg lúa do chất lượng không đạt yêu cầu.

Ông Hồ Quang Cua bày tỏ mối lo ngại nếu các ngành chức năng không có biện pháp kiểm soát về chất lượng nguồn giống chất lượng cao, thì thiệt hại về tài nguyên giống của Việt Nam là rất lớn, và kéo theo đó thiệt hại về xuất khẩu gạo là điều không thể tránh khỏi.

Trung Chánh