Mô hình thùng rác công nghệ trị giá 200 tỷ đồng ở Hà Nội hiện ra sao?

Mô hình thùng rác công nghệ tại Hà Nội đã và đang tiếp tục được triển khai, không chỉ giúp nâng tầm mỹ quan đô thị mà còn thay đổi nhận thức của người dân trong việc phân loại rác và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mô hình này có thực sự phát huy hiệu quả vẫn là điều đáng bàn.

Khoảng gần 12.000 thùng rác được lắp đặt tại 12 quận và 13 huyện, với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Số lượng và vị trí dựa trên đề xuất của các quận, huyện. Sở Xây dựng quyết định số lượng và vị trí lắp đặt tại các địa bàn còn lại.

Mục đích chính là thu gom rác thải, mục đích phụ đi kèm là cho phép doanh nghiệp khai thác quảng cáo trên các hộp đèn lắp đặt tại vị trí thùng rác. Thời gian hoạt động của dự án này là 15 năm.

Công ty được giao đầu tư dự án phải phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các thùng rác trong dự án này.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm rưỡi triển khai, mặc dù thuận tiện, hữu ích và có tính thẩm mỹ là vậy những theo ghi nhận của phóng viên, tại một số điểm, thùng rác công nghệ chưa được sử dụng hiệu quả.

Đặc biệt như trên các tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Chánh, quanh Hồ Đắc Di... thùng rác công nghệ dù đã được thiết kế tách biệt 2 ngăn, nhưng người dân vẫn bỏ rác lộn xộn.

Nhiều thùng rác công nghệ thâm trí còn không có cả thùng rác phía trong.

Một thùng rác công nghệ trên đường Nguyễn Chí Thanh còn có biển cấm đổ rác do đã hỏng hết và trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu.

Tác dụng của những biển quảng cáo trên thùng rác công nghệ là dán rao vặt cho người dân.

Tại một số thùng rác, người dân bỏ giấy cứng, vỏ lon, bao bì vào ngăn rác thải không tái chế được chú thích màu đỏ, trong khi đó rác thải sinh hoạt lại bỏ vào ngăn tái chế được chú thích màu xanh, làm giảm hiệu quả của thùng rác công nghệ.

Hoàng Mạnh Thắng