Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa năm 2023 Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã được Nhà nước đẩy mạnh đầu tư, xây dựng. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều thay đổi rõ rệt.

Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng

Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, từ nguồn vốn của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn 13 xã, thị trấn của huyện. Kết quả, trong 2 năm 2022 và 2023, trên địa bàn huyện đã đầu tư 14km đường giao thông vào khu sản xuất với khoảng 2.100 hộ dân được trực tiếp thụ hưởng, trong đó 80% là ĐBDTTS. Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Khánh Trung, cung cấp nước cho hơn 200 hộ dân; đầu tư hỗ trợ nước sinh hoạt cho 54 hộ dân sinh sống phân tán tại các xã đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ giữa các khu sản xuất, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt, nhờ có sự đầu tư cơ sở hạ tầng mà nhận thức và hành động của ĐBDTTS có sự chuyển biến rõ rệt. Người dân đã tập trung đầu tư sản xuất, hạn chế sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Hệ thống giao thông phục vụ sản xuất và dân sinh ở huyện Khánh Vĩnh được chú trọng đầu tư xây dựng.

Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, toàn huyện có hơn 20.000 người DTTS, chiếm hơn 70% dân số toàn huyện, trong đó chủ yếu là người Raglai. Trước đây, đời sống của người dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, giao thông không thuận lợi, nhất là đường đi vào các vùng sản xuất… Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong những năm gần đây, nhiều tuyến đường phục vụ sản xuất và dân sinh đã được đầu tư đồng bộ, ĐBDTTS tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Đến nay, đời sống người dân từng bước được nâng cao, số xã, thôn đặc biệt khó khăn đã giảm đáng kể.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong 2 năm 2022 và 2023, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 83 công trình thiết yếu tại địa bàn đặc biệt khó khăn, trong đó có 71 công trình giao thông nông thôn. Đồng thời, thực hiện duy tu, bảo dưỡng nhiều tuyến đường giao thông tại địa bàn đặc biệt khó khăn, đến nay có 43 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng.

Đời sống người dân được nâng cao

Nhờ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ĐBDTTS và miền núi mà các địa phương đã xây dựng quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, như: Huyện Khánh Sơn có vùng trồng sầu riêng 2.300ha; huyện Khánh Vĩnh có vùng trồng bưởi da xanh khoảng 700ha. Ngoài ra, còn có một số vùng trồng xen ghép mía tím, chuối, chôm chôm, măng cụt và nuôi dê, bò, gia cầm... ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương có giá trị kinh tế cao.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 7-4-2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh, các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi đã chuyển đổi hơn 212ha đất trồng cây kém hiệu quả sang cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh thường xuyên chuyển giao công nghệ mới trong trồng trọt và chăn nuôi về các địa phương. Các hộ dân cũng đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi. Từ đó, đã có nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, xuất hiện nhiều hộ ĐBDTTS sản xuất giỏi có thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm, nhất là mô hình trồng sầu riêng ở huyện Khánh Sơn. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những chính sách đầu tư có trọng điểm của các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo điều kiện, động lực để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, sinh kế cho người dân và tạo động lực phát triển KT-XH nhanh, bền vững cho vùng ĐBDTTS và miền núi.

Ông Võ Nam Thắng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh trong nhiều năm qua luôn được các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai huy động tối đa các nguồn lực, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cho đầu tư phát triển KT-XH... Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng ĐBDTTS và miền núi có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng KT-XH được đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất và đời sống của người dân. Nhiều mô hình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của ĐBDTTS không ngừng được cải thiện. Thời gian tới, các ban, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông phục vụ sản xuất và dân sinh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân vùng ĐBDTTS và miền núi phát triển kinh tế.

NHẬT THANH