Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THCS Phượng Lâu - Phú Thọ

Mục lục

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Phượng Lâu - Phú Thọ
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Phượng Lâu - Phú Thọ

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Phượng Lâu - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

Tuổi trẻ là đặc ân vô giá của tạo hóa ban cho bạn. Vô nghĩa của đời người là để tuổi xuân trôi qua trong vô vọng.(…). Người ta bảo, thời gian là vàng bạc, nhưng sử dụng đúng thời gian của tuổi trẻ là bảo bối của thành công. Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cuộc sống. Nếu chỉ chăm chăm và tán dương tài năng thiên bẩm thì chẳng khác nào chim trời chỉ vỗ cánh mà chẳng bao giờ bay được lên cao. Mỗi ngày trôi qua rất nhanh. Bạn đã dành thời gian cho những việc gì? Cho bạn bè, cho người yêu, cho đồng loại và cho công việc? Và có bao giờ bạn rùng mình vì đã để thời gian trôi qua không lưu lại dấu tích gì không?

Các bạn hãy xây dựng tầm nhìn rộng mở (…), biến tri thức của loài người, của thời đại thành tri thức bản thân và cộng đồng, vận dụng vào hoạt động thực tiễn của mình. Trước mắt là tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường để mai ngày khởi nghiệp; tự mình xây dựng các chuẩn mực cho bản thân; nhận diện cái đúng, cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm. Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để thành công bạn cần có nền tảng về mọi mặt, thiếu nó không chỉ chông chênh mà có khi vấp ngã.

(Theo Báo mới.com; 26/ 03/ 2016)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2: Chỉ ra điều cần làm trước mắt được nêu trong đoạn trích?

Câu 3: Phân tích ngắn gọn tác dụng của câu hỏi tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 4: Anh/chị có cho rằng “Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cuộc sống” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc - hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10-12 câu) nêu suy nghĩ của em về câu nói: “Trường đời là trường học vĩ đại nhất”.

Câu 2 (4,0 điểm): Viết một bài văn nêu cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu :

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá .

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

Súng bên súng, đầu sát bên đầu ,

Đên rét chung chăn thành đôi tri kỷ .

Đồng chí!

(Ngữ văn 9, Tập I, NXBGDHN, 2021,tr 128)

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Phượng Lâu - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận.

Câu 2:

Theo đoạn trích, những điều cần làm trước mắt là:

- Tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

- Tự mình xây dựng các chuẩn mực cho bản thân.

- Nhận diện cái đúng, cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm.

Câu 3: Câu hỏi tu từ: Bạn đã dành .....dấu tích gì không?

Tác dụng: Câu hỏi tu từ thể hiện sự trăn trở về việc sử dụng quỹ thời gian, cảnh báo việc để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Từ đó nhắc nhở mỗi người biết trân quý thời gian và có ý thức sử dụng thời gian hiệu quả, ý nghĩa.

Câu 4:

- Đồng ý với quan điểm

- Vì: Tài năng mỗi con người nếu không được tôi luyện theo thời gian cũng sẽ phai mờ. Muốn đạt được thành công không chỉ cần tài năng mà còn cần cả sự phấn đấu, sự cống hiến không ngừng.

II. LÀM VĂN

Câu 1

1. Mở đoạn

Triển khai vấn đề cần nghị luận

Việc học không bao giờ được coi là đủ, muốn học thì phải có trường, và không ngôi trường nào đầy đủ, sinh động, chân chính và cay đắng hơn trường Đời.

2. Thân đoạn

a. Giải thích

“Trường đời” là cách nói chuyển nghĩa, chỉ môi trường thực của những trải nghiệm. Trải nghiệm thực tế cuộc sống sẽ đúc kết được những bài học thực tiễn.

“Nền tảng về mọi mặt” có thể hiểu là những kiến thức cơ bản về tự nhiên, xã hội được trang bị ở trường học mà dựa trên đó ta mới vững vàng bước vào đời.

b. Phân tích, chứng minh

“Trường đời là trường học vĩ đại nhất”

Trường đời cho ta kinh nghiệm, hiểu biết trên mọi lĩnh vực.

Trường đời dạy ta cách giao tiếp, ứng xử hợp lí.

Trường đời giúp ta trở nên bản lĩnh, cứng cáp.

Trường đời giúp ta biết nhìn nhận, suy xét, phản xạ vấn đề nhanh nhạy, thấu đáo.

Trường đời cho ta những bài học về sẻ chia, gắn kết, yêu thương

c. Mở rộng

Thực trạng

Thực tế cuộc sống vốn rất phong phú và luôn biến chuyển không ngừng. Cuộc sống có muôn màu: tốt- xấu; hay-dở, trắng- đen...Do đó nếu con người chỉ giam mình trong bốn bức tường hay không biết sàng lọc những điều hay lẽ phải thì cuộc đời sẽ không thể trở thành “trường học vĩ đại nhất”.

Việc trang bị “nền tảng về mọi mặt” quan trọng là thế. Tuy nhiên, thực trạng ngày nay, nhiều bạn trẻ thiếu trách nhiệm với bản thân và tương lai, không chăm lo học hành để trang bị “nền tảng về mọi mặt” vững vàng.

Giải pháp

Không ngừng trải nghiệm và khám phá thực tế.

Chọn lọc cái hay, cái tốt để học hỏi.

Xây dựng nền tảng kiến thức từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Kết hợp giữa lí thuyết và thực hành.

3. Kết đoạn

Khẳng định lại vấn đề: Thời gian là vàng, mong các bạn hãy tranh thủ thời gian học và làm những điều hữu ích nhất là đối với việc học hành.

Câu 2

I. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

Nêu đoạn trích

II. Thân bài

1. Giới thiệu chung

Hoàn cảnh ra đời bài thơ: Bài thơ được sáng tác vào đầu năm 1948, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại nơi ông phải nằm điều trị bệnh

Nội dung đoạn trích: Cơ sở hình thành tình đồng chí

2. Phân tích

a. Tình đồng chí của người lính bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân:

– Ngay từ những câu thơ mở đầu, tác giả đã lí giải cơ sở hình thành tình đồng chí thắm thiết, sâu nặng của anh và tôi – của những người lính Cách mạng:

“Quê hương tôi nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.”

+ Thành ngữ “nước mặn đồng chua”, hình ảnh “đất cày lên sỏi đá”

+ Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình như lời kể chuyện

Các anh ra đi từ những miền quê nghèo đói, lam lũ – miền biển nước mặn, trung du đồi núi, và gặp gỡ nhau ở tình yêu Tổ quốc lớn lao. Các anh là những người nông dân mặc áo lính – đó là sự đồng cảm về giai cấp.

– Cũng như giọng thơ, ngôn ngữ thơ ở đây là ngôn ngữ của đời sống dân dã, mộc mạc:

“Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”.

=> Đến từ mọi miền đất nước, vốn là những người xa lạ, các anh đã cùng tập hợp trong một đội ngũ và trở nên thân quen.

b. Cùng chung mục đích, lí tưởng chiến đấu:

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”

– Điệp từ, hình ảnh sóng đôi mang ý nghĩa tượng trưng.

=> Tình đồng chí, đồng đội được hình thành trên cơ sở cùng chung nhiệm vụ và lí tưởng cao đẹp. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu, các anh đã cùng tập hợp dưới quân kì, cùng kề vai sát cánh trong đội ngũ chiến đấu để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của thời đại.

c. Cùng chia sẻ mọi gian lao, thiếu thốn:

– Mối tính tri kỉ của những người bạn chí cốt được biểu hiện bằng một hìn ảnh cụ thể, giản dị, gợi cảm:

“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.

– Chính trong những ngày gian khó, các anh đã trở thành tri kỉ của nhau,để cùng chung nhau cái giá lạnh mùa đông, chia nhau cái khó khăn trong một cuộc sống đầy gian nan.

- Từ “Đồng chí”: cách gọi vừa trang nghiêm vừa thân thuộc, đầy tình cảm, mang hơi thở thời đại mới của cách mạng, kháng chiến. Giọng thơ chùng xuống, lắng đọng, tạo cảm giác thiêng liêng.

3. Đánh giá chung

Thể thơ tự do với những câu dài ngắn đan xen đã giúp cho nhà thơ diễn tả hiện thực và bộc lộ cảm xúc một cách linh hoạt.

Hình ảnh thơ cụ thể, xác thực mà giàu sức khái quát.Ngôn ngữ thơ hàm súc,cô đọng,giàu sức biểu cảm

III. Kết bài: Khẳng định lại giá trị bài thơ

Hùng Cường