Doanh nghiệp cần chuyển động mạnh mẽ hơn trong tiến trình tăng trưởng xanh

Tuy nhiên, theo ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), trong thời gian qua khi khảo sát, làm việc với rất nhiều doanh nghiệp ở các địa phương thì thấy còn nhiều vấn đề trong việc tiếp cận của các doanh nghiệp đối với quá trình tăng trưởng xanh.

"Tháng 12 vừa rồi chúng tôi khảo sát khoảng 2730 doanh nghiệp thì có 64% doanh nghiệp Việt Nam dù nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững và tăng trưởng xanh nhưng mà chưa có chuẩn bị gì. Điều đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, ngoài câu chuyện hoàn thiện thể chế chính sách thì ở cấp độ vi mô, những chuyển động của doanh nghiệp cần phải được mạnh mẽ hơn nữa".

Để đạt được mục tiêu kép là giảm phát thải ròng bằng 0 và rác thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải sớm đề ra lộ trình chuyển đổi xanh tích hợp, lồng ghép vào trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; phải khắc phục được những hạn chế, tồn tại sau.

"Danh mục dự án xanh" giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn tín dụng xanh.

"Thứ nhất là tâm thế, thói quen. Doanh nghiệp Việt Nam khoảng 97% khu vực tư nhân là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do ảnh hưởng nặng nề, kéo dài từ COVID-19, việc nghĩ dài hạn còn rất hạn chế. Tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp đi rất nhanh, do tâm thế của chủ doanh. Họ tiên phong, họ nhận thức được những xu hướng chuyển động của thế giới để lấy những lợi thế của người tiên phong. Đây là những câu chuyện mang tính truyền cảm hứng rất nhiều.

Thứ hai là thông tin. Văn phòng (Ban IV) có vừa dự một buổi tổng kết của một hiệp hội. Trong đó có 69 doanh nghiệp của ngành này nằm trong danh sách 1912 doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải nhà kính. Nhưng khi đại diện văn phòng hỏi có doanh nghiệp nào biết mình trong danh sách đó không thì chỉ có 1-2 doanh nghiệp biết mình nằm trong danh sách. Mà từ giờ đến tháng 3/2025 mà chưa có chuẩn bị gì thì rất là thách thức để chúng ta có thể làm được việc tuân thủ các cam kết về phát triển xanh".

Cũng theo ông Minh, điểm cuối cùng đó là câu chuyện về tài chính. Khi chuyển đổi xanh, thay đổi công nghệ thì đòi hỏi nguồn tài chính lớn. Đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ, lại gặp những khó khăn kinh tế hiện tại thì việc huy động, tiếp cận nguồn tài chính sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, khi "Danh mục dự án xanh" chuẩn bị được công bố thì có thể góp phần tạo ra "ngôn ngữ chung" giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn tín dụng xanh. Đây sẽ là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ doanh nghiêp sẵn sàng hơn nữa trong quá trình phát triển xanh, bền vững.

Thái Sơn