Gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc

Mỹ gia tăng mạnh thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa quốc gia này

Mỹ tăng thuế với nhiều mặt hàng của Quốc

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 22-5 thông báo, Mỹ sẽ chính thức tăng thuế mạnh tay đối với một loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc bao gồm pin điện, chíp máy tính và các sản phẩm y tế. Theo đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ giữ nguyên các mức thuế do người tiền nhiệm Donald Trump đưa ra và bổ sung các mức thuế khác, bao gồm tăng gấp 4 lần thuế xe điện, lên hơn 100%, và tăng gấp đôi thuế đối với thiết bị bán dẫn, lên 50%.

USTR cho biết, việc tăng thuế mạnh đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm pin xe điện, chíp máy tính và các sản phẩm y tế, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 tới. Theo Nhà Trắng, việc tăng thuế này sẽ tác động đến lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá tới 18 tỷ USD từ Trung Quốc, bao gồm thép và nhôm, chất bán dẫn, xe điện, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời và cần cẩu.

Cụ thể, theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, Mỹ tăng thuế từ 25% lên 100% đối với xe điện, từ 7,5% lên 25% với pin lithium cho xe điện, từ 25% lên 50% với thành phần quang điện dùng để chế tạo các tấm pin mặt trời, từ 0% lên 25% với một số khoáng sản quan trọng. Mức thuế với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%. Thuế đối với cổng trục giàn tăng từ 0% lên 25%, với ống và kim tiêm tăng từ 0% lên 50%, một số thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) sử dụng trong các cơ sở y tế tăng từ 0% lên 25%. Vào năm 2025, thuế với chất bán dẫn sẽ tăng gấp đôi lên 50%.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục giữ nguyên mức thuế đánh vào 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc do người tiền nhiệm là Donald Trump đưa ra năm 2018. Theo số liệu chính thức của Washington, Mỹ nhập khẩu 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu 148 tỷ USD sang thị trường này vào năm 2023.

Giải thích lý do tăng thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giới chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng, Trung Quốc đang sản xuất với tốc độ và quỹ đạo vượt xa mọi ước tính hợp lý về nhu cầu toàn cầu. Vì thế, Trung Quốc sẽ khiến thị trường toàn cầu tràn ngập nguồn cung hàng hóa của họ, làm suy giảm khả năng xây dựng năng lực sản xuất trong nước của Mỹ và khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn.

Giới chức Mỹ trước đó đã liên tục bày tỏ lo ngại về các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho sản xuất năng lượng sách của nước này. Họ cho rằng, các khoản trợ cấp của chính quyền Trung Quốc đang giúp các công ty nước này sản xuất quá nhiều các sản phẩm năng lượng sạch giá rẻ như tấm pin mặt trời và xe điện, vượt xa nhu cầu trong nước.

Các quan chức Mỹ cảnh báo, nếu các công ty Trung Quốc không thể bán lượng sản phẩm dư thừa đó trong nước, họ có thể sẽ bán phá giá trên thị trường toàn cầu, khiến các ngành công nghiệp năng lượng sạch non trẻ ở các nước khác khó có thể phát triển được. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua từng cảnh báo, tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc làm biến dạng giá cả và mô hình sản xuất toàn cầu, đồng thời gây tổn hại cho các công ty và người lao động Mỹ cũng như doanh nghiệp và người lao động trên toàn thế giới.

Ngoài vấn đề chủ nghĩa bảo hộ đơn giản, giới quan sát còn cho rằng, có những yếu tố khác dẫn đến động thái tăng thuế của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Theo đó, thành công của các khoản đầu tư công của ông Joe Biden vào năng lượng xanh, ngành công nghiệp chíp và cơ sở hạ tầng truyền thống là một phần quan trọng trong lập luận để tái tranh cử của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Tiềm ẩn nhiều hệ lụy phức tạp

Trong phản ứng đầu tiên, Trung Quốc đã chỉ trích kế hoạch tăng thuế của Mỹ và tuyên bố có “các biện pháp kiên quyết” để bảo vệ lợi ích của mình. Trung Quốc cho biết các biện pháp thuế quan là phản tác dụng và gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo, nước này sẽ “thực hiện các biện pháp quyết định để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình” trước việc Mỹ tăng thuế, đồng thời cáo buộc Washington biến các vấn đề kinh tế và thương mại thành công cụ “cân bằng chính trị nội bộ”. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, việc Mỹ tăng thuế đã “vi phạm cam kết của Tổng thống Joe Biden rằng không tìm cách đàn áp hoặc hạn chế sự phát triển của Trung Quốc” và “không phù hợp với tinh thần của đồng thuận đã đạt được” giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi, Mỹ phải “ngay lập tức sửa chữa hành vi sai phạm của mình” và hủy bỏ các mức thuế bổ sung áp đặt đối với Trung Quốc vì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp tác song phương. Bộ Thương mại cảnh báo thêm rằng, ổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra phán quyết là các hạn chế là bất hợp pháp.

Trong diễn biến mới nhất liên quan, một nhóm đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc ngày 22-5 cảnh báo, Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch tăng thuế với sản phẩm ô tô nhập khẩu, để đáp trả động thái gần đây của Mỹ và ên minh châu Âu (EU). Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU (CCCEU) cho biết, cơ quan này đã nhận được thông tin từ trong nước về việc Trung Quốc đang xem xét tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu có dung tích xi-lanh lớn. Theo đó, kế hoạch này sẽ tác động đến các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và EU, nhất là sau khi Mỹ tăng thuế 100% với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc hay EU mở điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng này của Trung Quốc.

Các hiệp hội Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối quyết định tăng thuế của Mỹ đối với các hàng hóa của Trung Quốc, cho rằng động thái này ảnh hưởng đến tự do thương mại. Người phát ngôn Phòng Thương mại Trung Quốc về xuất nhập khẩu máy móc và thiết bị điện tử Gao Shiwang cho rằng, động thái của Mỹ sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai và sẽ chỉ phản tác dụng. Theo đó, quyết định của Mỹ sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu của lĩnh vực năng lượng mới và làm giảm nhiệt các ngành mới nổi khác.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế cho rằng trong ngắn hạn, đợt tăng thuế quan mới nhất của phía Mỹ có thể có tác động hạn chế đối với GDP, lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ. Tuy nhiên, xét ở phương diện rộng hơn, có thể dẫn tới những hệ lụy phức tạp hơn nhiều. Nhà kinh tế Joe Brusuelas của Công ty tư vấn quản lý RSM US cảnh báo, đợt tăng thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể báo hiệu trước một “mùa đông lạnh kéo dài” về xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Với Trung Quốc, việc tăng thuế của Mỹ sẽ buộc các công ty đang làm ăn ở Trung Quốc phải có giải pháp ứng phó, nhất là các hãng sản xuất xe điện, pin… Công ty Samsung của Hàn Quốc được cho đang yêu cầu các nhà cung cấp ô tô đưa ra những lựa chọn sản xuất ngoài thị trường Trung Quốc do lo ngại mức thuế cao hơn của Mỹ. Theo các chuyên gia, nếu châu Âu cũng có hành động tương tự Mỹ, xung đột thương mại gia tăng có thể cản trở xuất khẩu, tạo ra nhiều làn sóng di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc về lâu dài.