Giải mã ngôi vị 'á quân' của Xiaomi trên thị trường smartphone toàn cầu

Sau 11 năm thành lập, Xiaomi đã chính thức qua mặt ông lớn Apple để vươn lên thành thương hiệu smartphone thứ 2 thế giới với 17% thị phần. Vậy do đâu mà thương hiệu này lại có được sự thành công nhanh chóng như vậy?

Nhanh, nhiều, tốt, rẻ

Sự khởi đầu của Xiaomi bắt đầu cũng không khác nhiều so với nhiều thương hiệu Trung Quốc khác như Meizu, Lenovo,… là sử dụng mức giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh. Để có thể sản xuất ra những chiếc smartphone với mức giá rẻ, theo cam kết của nhà sáng lập Lei Jun, thì tỉ suất lợi nhuận ròng từ mảng kinh doanh phần cứng của Xiaomi chỉ ở mức 5%.

Ngoài ra, thay vì tự thiết kế, lắp ráp phần lớn các sản phẩm thì chỉ riêng trong năm 2019, Xiaomi đã giao phó tới 75% lượng công việc thiết kế và sản xuất cho các nhà sản xuất thiết bị gốc (ODM) như Huaqin, Wingtech và Longcheer. Đây cũng là ba tên tuổi ODM hàng đầu trên thị trường hiện nay.

Các công ty ODM sẽ chịu thiết kế tổng thể, đưa ra thông số kỹ thuật các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của đối tác. Bằng cách này, các thương hiệu như Xiaomi sẽ bớt phải lo lắng về nhà máy, dây chuyền sản xuất một số dòng sản phẩm giúp tiết kiệm chi phí cũng như rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm.

Ngoài giá rẻ, cấu hình cao thì độ bền ở mức “vừa đủ” của Xiaomi cũng góp phần đưa danh tiếng của thương hiệu này đến với đông đảo người tiêu dùng.

Xiaomi vừa qua mặt ông lớn Apple để vươn lên thành thương hiệu smartphone thứ hai thế giới.

Truyền thông “rẻ", nhưng hiệu quả cao

Trước năm 2014, Xiaomi lúc đó vẫn là một thương hiệu mới, chưa được nhiều người biết đến. Lúc đó, thay vì tập trung mở các cửa hàng trưng bày sản phẩm như đa phần các thương hiệu khác thì Xiaomi chỉ có 2 kênh tiêu thụ là bán hàng trực tuyến qua trang Xiaomi.com (chiếm 70% lượng tiêu thụ) và qua các nhà mạng di động (chiếm 30% lượng tiêu thụ).

"Chúng tôi không xem trọng việc bán được bao nhiêu sản phẩm bằng hoạt động tương tác của khách hàng. Đối với ngành kinh doanh điện thoại di động, điều chúng tôi khơi dậy trong lòng mọi người là sự sáng tạo về mô hình kinh doanh. Chúng tôi tin chắc rằng không phải nhờ vào phần cứng, mà cũng giống như sản phẩm internet, dịch vụ mang tính chất giá trị gia tăng sẽ quyết định lợi nhuận của mặt hàng điện thoại di động internet. Đặc tính khách hàng của Xiaomi là ưa hoạt động trên internet, nên chúng tôi cần có một kênh hoàn toàn mới để duy trì tương tác với họ. Chúng tôi loại bỏ các hình thức marketing kiểu cũ như quảng cáo, họp báo,…", ông Lê Vạn Cường, một trong những nhà đồng sáng lập Xiaomi, chia sẻ trong cuốn "Marketing kiểu Xiaomi (được xuất bản tại Trung Quốc năm 2014).

Cũng trong cuốn sách này, ông Lê Vạn Tường cho biết Xiaomi áp tiêu chuẩn của truyền thông vào các tài khoản trên diễn đàn, tạo nên một ma trận truyền thông cá nhân dựa trên nền tảng các mạng xã hội của Weibo, WeChat, Qzone, Baidu Tieba…

Chiến thuật phát triển khôn khéo

Với lợi thế đến từ các sản phẩm giá rẻ nhưng hiệu năng cao, Xiaomi lựa chọn ban đầu sẽ tập trung phát triển vào các thị trường tại các quốc gia đông dân cư nhưng đại đa số người dân chỉ có mức thu nhập thấp và trung bình, tiêu biểu là tại Ấn Độ.

Sau khi đặt 6 nhà máy tại Ấn Độ, vào năm 2018, Xiaomi đã chính thức đánh bại gã khổng lồ công nghệ số 1 thế giới là Samsung tại thị trường tỉ dân này. Được biết, Ấn Độ cũng được coi là một trong những thị trường điện tử hấp dẫn nhất thế giới.

Độ bền của những chiếc smartphone Xiaomi được nhiều người đánh giá cao.

Được đà tiến lên, sau thành công vang dội tại Ấn Độ, Xiaomi bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang châu Âu và Bắc Mỹ. Chiến thuật "lấy nông thôn bao vây thành thị" này đã nhanh chóng đưa Xiaomi trở thành một doanh nghiệp toàn cầu thực sự.

Năm 2020, tại Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên lần thứ 50, Xiaomi cho biết sẽ tập trung vào việc thúc đẩy các doanh nghiệp của mình tại những thị trường mà họ đã tồn tại. Các thị trường này bao gồm Ấn Độ, Đông Nam Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Tây Âu. Tại châu Âu, đến năm 2020, Xiaomi đã có tốc độ tăng trưởng lên tới 90%.

Hiện nay, thế mạnh hiện nay của Xiaomi vẫn chủ yếu là sản phẩm giá rẻ và tầm trung, điều này giúp hãng đạt được doanh số đáng mơ ước, và với vị thế là thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới vào thời điểm hiện tại, hãng công nghệ này nhấn mạnh sẽ không ngừng củng cố những năng lực cốt lõi và khẳng định vị trí của mình trong thời gian tới.

Nguyễn Trung Thành