Hứa hẹn bước đột phá về xuất khẩu nông sản chủ lực

Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 490 triệu USD

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 680 triệu USD, tăng 3,03% so với năm 2022. Trong đó, mặt hàng cà phê tiếp tục dẫn đầu khi chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, sản lượng đạt 240 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch 490 triệu USD (tăng 1,27% về lượng, tăng 4,26% về giá trị so với năm ngoái). Hiện trên địa bàn tỉnh có 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường 50 quốc gia, trong đó, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chiếm trên 40%.

Mặc dù tỉnh chỉ có một vài doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhưng đều là các doanh nghiệp lớn, có uy tín trên thị trường quốc tế như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty cổ phần Tín Thành Đạt, Công ty TNHH Thương mại và chế biến Louis Dreyfu Company Việt Nam (doanh nghiệp FDI).

Các doanh nghiệp này đều có nhà máy chế biến quy mô công nghiệp và hệ thống kho chứa được đầu tư nâng cấp, mở rộng hàng năm. Việc đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến được các doanh nghiệp chú trọng để tạo nguồn hàng nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, , Nhật Bản…

Kho hàng cà phê xuất khẩu của Công ty cổ phần Tín Thành Đạt (TP. Pleiku). Ảnh: V.T

Là doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh, năm 2023, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu trên 100 ngàn tấn cà phê với kim ngạch hơn 200 triệu USD. Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty-cho biết: Vĩnh Hiệp đã liên kết sản xuất trên diện tích 25 ngàn ha cà phê. Mỗi năm, sản lượng đạt khoảng 75 ngàn tấn. Để phục vụ xuất khẩu, Công ty còn thu mua lại từ các doanh nghiệp, đại lý. Thị trường xuất khẩu của Công ty đã mở rộng ra hơn 40 nước trên thế giới, trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%.

“Gia Lai đang tăng tốc để phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trọng điểm, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước để liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm giữ ổn định vùng nguyên liệu sạch, sản xuất có trách nhiệm và thực hiện đảm bảo các yêu cầu mà các nước nhập khẩu quy định, nhất là quy định về giảm phát thải khí nhà kính và phát triển ngành hàng cà phê tránh phá rừng của châu Âu (EUDR). Qua 14 năm tham gia chương trình sản xuất bền vững, Vĩnh Hiệp đã nỗ lực trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có trách nhiệm hàng đầu của Việt Nam. Đây là sự đóng góp rất quan trọng của người nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức chứng nhận 4C, RA, CDC, góp phần khẳng định cà phê Robusta của Việt Nam trên thị trường quốc tế”-ông Hiệp cho hay.

Còn ông Phạm Văn Trình-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Tín Thành Đạt thì thông tin: “Năm 2023, Công ty thu mua và bán ra thị trường khoảng 50 ngàn tấn cà phê các loại, trong đó, 30 ngàn tấn được xuất khẩu với kim ngạch đạt khoảng 75 triệu USD. Năm nay, xuất khẩu gặp thuận lợi khi giá cà phê tăng, hiện dao động trong khoảng 2.500-2.700 USD/tấn. Thị trường xuất khẩu được mở rộng ra nhiều nước, nhất là khối châu Âu với kim ngạch chiếm khoảng 70%, còn lại là thị trường châu Á và các thị trường khác. Để đảm bảo đủ nguồn hàng xuất khẩu, từ năm 2015 đến nay, Công ty đã liên kết với 3.500 nông hộ ở Ia Grai, Chư Păh sản xuất cà phê bền vững trên diện tích khoảng 10.000 ha. Với việc sản xuất cà phê bền vững theo các chứng nhận tiêu chuẩn 4C, Rainforest giúp sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu”.

Năm nay, giá cà phê tăng cao đã góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ảnh: V.T

Cũng theo ông Trình, năm 2024, thị trường cà phê trên toàn cầu tiếp tục phát đi tín hiệu tốt khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tăng. Đặc biệt, ở các quốc gia châu Á, người dân ngày càng có xu hướng dịch chuyển sang sử dụng cà phê. Vì vậy, thị trường châu Á còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. Năm 2024, Công ty sẽ mở rộng thị trường và dự kiến xuất khẩu khoảng 40 ngàn tấn cà phê, tương ứng kim ngạch khoảng 100 triệu USD.

Hiện nay, giá cà phê đang nằm ở mức cao, song sản lượng cà phê niên vụ này dự kiến giảm khoảng 15%. Với trạng thái thiếu hụt nguồn cung thì giá có thể duy trì ở mức cao kể từ thời điểm tháng 5-2024 trở đi. Với các doanh nghiệp ngành hàng cà phê, bước vào mùa vụ luôn đi kèm nỗi lo về vốn. Bởi hiện nay, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, rồi tín dụng ngân hàng cấp không đủ để đẩy mạnh thu mua và xuất khẩu.

Nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

Ngoài mặt hàng cà phê, năm nay, xuất khẩu trái cây cũng có sự tăng trưởng với đa dạng sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm đã qua chế biến như: chanh dây cô đặc, dứa, xoài đông lạnh...

Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) cho hay: Trong năm 2023, Công ty đã thu mua và chế biến khoảng 70 ngàn tấn chanh dây tươi để sản xuất các mặt hàng như: nước chanh dây cô đặc đông lạnh, nước chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây tự nhiên. Các sản phẩm này được đóng gói dưới nhiều dạng bao bì khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng và đã được phân phối đến hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Anh...

“Hiện nay, năng lực thu mua và chế biến của Công ty rất lớn. Nhiều khách hàng tiềm lực trên thế giới rất trung thành với sản phẩm của Quicornac. Đây là yếu tố quan trọng để ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, hương vị chanh tím ngày càng được thế giới ưa chuộng so với chanh vàng của khu vực Nam Mỹ cũng là một lợi thế quan trọng. Mặc dù nhu cầu chanh tím của thế giới cực kỳ tiềm năng nhưng chúng tôi cho rằng năm tới sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ, mùa vụ tập trung dồn dập khiến giá giảm sâu đã gây ra tâm lý không tốt cho người dân. Do vậy, dự kiến sản lượng năm 2024 có thể chỉ bằng 40-50% so với năm 2023. Nếu mùa vụ rải đều một cách tương đối ở các thời điểm trong năm để có sự tương đồng giữa sản lượng thu hoạch và công suất của các nhà máy thì giá chanh sẽ được bình ổn và thị trường sẽ phát triển bền vững hơn”-ông Thạnh đánh giá.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 255.668 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 43,1% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh). Ngành nông nghiệp đang chuyển dịch theo chiều sâu, nâng cao giá trị, định hướng xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 193 mã số vùng trồng với diện tích hơn 9.005 ha rau quả và 32 mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu với tổng công suất khoảng 1.245-1.395 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ...

Để đảm bảo đủ nguồn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh liên kết phát triển cà phê bền vững theo các chứng nhận tiêu chuẩn 4C, Rainforest... Ảnh: V.T

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Ngoài cà phê thì trái cây là mặt hàng mới nổi trong khoảng 3 năm trở lại đây với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 100 triệu USD/năm. Đây được đánh giá là mặt hàng có thế mạnh, dư địa tăng trưởng lớn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thông qua việc tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Hiện nay, khối lượng hàng được gia tăng do các doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì ưu thế tại các thị trường truyền thống.

Cùng với đó, tác động của các hiệp định thương mại tự do đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam đã ký 5 nghị định thư xuất khẩu chính ngạch gồm chanh dây, sầu riêng, măng cụt, tổ yến sào và chuối sang thị trường Trung Quốc. Việc này sẽ giúp hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định một cách rõ ràng, minh bạch, mở ra con đường xuất khẩu chính ngạch đối với 4 sản phẩm cây ăn quả và tổ yến sào trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD, tăng 10% so với năm 2023. Để đạt mục tiêu này, theo Giám đốc Sở Công thương, ngành đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng như tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp xây dựng các chuỗi liên kết từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ, đảm bảo chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu thông qua việc xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của tỉnh; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kỹ thuật canh tác cây trồng cho năng suất, chất lượng cao; đổi mới công nghệ chế biến sâu nhằm tăng giá trị hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Đồng thời, hỗ trợ thông tin để doanh nghiệp và người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, các gói hỗ trợ vay khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chứng nhận cần thiết cho hàng xuất khẩu như: xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trình tự thủ tục cấp mã số vùng trồng, thủ tục thông quan hàng hóa, cấp C/O...

Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm quốc tế, kết nối giao thương ở nước ngoài; nâng cao hiệu quả công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chú trọng các quốc gia tham gia CPTPP, EVFTA…

VŨ THẢO