Hướng đi mới của kinh tế Mỹ

Nền kinh tế đầu tàu thế giới đang tiếp tục đà phục hồi ấn tượng khi tốc độ tăng trưởng những quý gần đây khả quan, tỷ lệ thất nghiệp giảm và thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc. Chỉ dấu mới nhất cho thấy phục hồi kinh tế Mỹ diễn ra mạnh mẽ là lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng nhanh kéo theo kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Việc các bang mở cửa trở lại và người dân bắt đầu cuộc sống bình thường sau đại dịch đã tác động nhiều đến các hoạt động mua sắm hàng hóa.

Một điểm sáng quan trọng nữa trên bức tranh kinh tế Mỹ là hệ thống tài chính vững mạnh, bất chấp sóng gió dữ dội từ cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài hơn một năm qua. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa tuyên bố, kết quả đợt "kiểm định sức khỏe" của các ngân hàng cho thấy, các tổ chức tài chính lớn nhất của Mỹ có đủ nguồn lực để tiếp tục cho vay. Trong cuộc sát hạch lần này, các ngân hàng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giả định là thất nghiệp lên tới 11%, GDP suy giảm 4% trong vòng hai năm. Tuy nhiên, cả 23 ngân hàng đều vượt qua "bài kiểm tra sức khỏe" khắc nghiệt của FED.

Mặc dù vậy, chặng đường phục hồi phía trước của kinh tế Mỹ hiện tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó thách thức lớn nhất trước mắt vẫn là mối đe dọa từ đại dịch Covid-19. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cảnh báo biến thể Delta có thể dẫn tới một đợt bùng phát dịch bệnh mới tại Mỹ vào mùa thu năm nay. Về trung và dài hạn, kinh tế Mỹ vẫn đối mặt những thách thức lớn mang tính cơ cấu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã khuyến cáo rằng nước Mỹ cần giải quyết "những vấn đề gây phá hoại" hiện nay, như bất bình đẳng tiền lương. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất, quỹ liên bang sẽ chi hơn 6.000 tỷ USD vào năm 2022 và tăng dần lên 8.200 tỷ USD vào năm 2031 để "tái định hình kinh tế Mỹ", trong đó tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Ông chủ Nhà trắng nhấn mạnh rằng, đây là thời điểm để tái tạo nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù những kế hoạch tham vọng nêu trên còn gây tranh cãi giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, nhưng việc tìm hướng đi mới cho nền kinh tế đã trở thành nhận thức chung của giới lãnh đạo nước này. Việc đầu tàu kinh tế thế giới phục hồi khả quan, sớm ổn định và tăng tốc trở lại sẽ trở thành động lực quan trọng kéo "đoàn tàu kinh tế" thế giới ra khỏi tình trạng khó khăn, ảm đạm hiện nay.

Ðông Dương