Huyện Gia Lâm: phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, tập trung

Lãnh đạo huyện Gia Lâm kiểm tra thực tế mô hình trồng hoa lan áp dụng công nghệ cao tại xã Dương Quang.

Hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh

Sau 2 năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, cùng với tập trung đầu tư phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, UBND huyện Gia Lâm đã quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp. Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biển, từng bước phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả cao, tích cực.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân 2 năm đạt 2,09% (Đề án 2,0 - 2,5%). Tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản giảm dần theo hướng tích cực so với các ngành kinh tế chủ yếu của huyện như công nghiệp - xây dựng, dịch vụ nhưng giá trị ngành sản xuất nông nghiệp, thủy sản nằm sau tăng hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2021, tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản của huyện là 8,29%, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 1.051,7 tỷ đồng; đến năm 2023, tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản của huyện là 6,8%, nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản đạt 1.090, tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 75,8 triệu đồng/người/năm (Đề án phấn đấu đạt 80 triệu đồng/người/năm).

Huyện đã thực hiện quy hoạch sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung. Đến nay, tại 10 xã có diện tích sản xuất nông nghiệp ổn định ngoài đô thị, gồm: Phù Đổng, Văn Đức, Trung Mầu, Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi, Cổ Bi, Phú Thị, Kim Lan, Đặng Xá. Trong lĩnh vực trồng trọt, theo Đề án, diện tích lúa cần chuyển đổi đến năm 2025 còn 649,84ha. Đến hết năm 2023, tổng diện tích lúa, màu hiệu quả kinh tế thấp đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh là 304,13ha (đạt 53,59% kế hoạch của Đề án, tập trung ở một số xã như: Phù Đổng 70ha, Trung Mầu 25ha, Dương Xá 65ha, Dương Quang 15ha, Lệ Chi 15,1ha, Yên Thường 10ha, Văn Đức 18,28ha, Đặng Xá 5ha…

Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh tại xã Phú Thị.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tập huấn triển khai Đề án được thực hiện. Đến nay, huyện đã tổ chức được 28/120 lớp tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất rau, hoa quả đảm bảo ATVSTP; 15/55 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, nhóm trưởng PGS. Huyện cũng đã xây dựng 2 điểm trưng bày, cung ứng sản phẩm OCOP và chứng nhận các sản phẩm OCOP của huyện.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác triển khai Đề án cũng còn một số hạn chế nhất định. Một số chỉ tiêu khó hoàn thành như: tỷ trọng ngành nông nghiệp thủy sản (theo Đề án phấn đấu còn 5,5%); chỉ tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, màu sang trồng cây ăn quả, cây cảnh (theo Đề án phải đạt 567,46ha, đến nay mới đạt 304,13ha, tương đương 53,59% kế hoạch)…; việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai còn chưa nhiều…

Để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2024, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm yêu cầu UBND các xã và các hợp tác xã trong toàn huyện triển khai thực hiện toàn diện theo sự chỉ đạo của UBND huyện, ngành dọc cấp trên; chủ động rà soát thực hiện đảm bảo chỉ tiêu được giao và phối hợp với phòng Kinh tế huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, chú trong thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng.

Phòng Kinh tế huyện cần phát huy vai trò của cơ quan thường trực, tham mưu có hiệu quả các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án; rà soát lại các chỉ tiêu và xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện đúng khung thời vụ, đạt hiệu quả thiết thực. Chủ động phối hợp, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn sản xuất và tham mưu hỗ trợ người dân về chế độ chính sách, nhất là hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai.

Các phòng, ban, ngành huyện tiếp tục phối hợp để triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát và tham mưu cho UBND huyện trong thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh huyện Gia Lâm và trong sản xuất nông nghiệp năm 2024.

Hoàng Quyết