Ngân hàng, ví điện tử dồn lực triển khai xác thực sinh trắc học

Nỗ lực “chạy đua”

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHΝΝ về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định số 2345).

Từ ngày 1/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking. Mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền; tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học.

Các quy định này đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện chuyển tiền, qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản, đồng thời ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn.

Từ ngày 1/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng. (Ảnh: Bảo Linh)

Thời gian này, các ngân hàng, ví điện tử đang gấp rút “chạy đua” nâng cấp công nghệ, nâng cấp app (ứng dụng) để phục vụ nhu cầu xác thực sinh trắc học cho khách hàng.

Trả lời VTC News, ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, ngân hàng này đang đầu tư rất lớn cho công nghệ để khách hàng có trải nghiệm xác thực sinh trắc học và ngân hàng số tốt hơn. Xác thực sinh trắc học sẽ giúp tài khoản ngân hàng của người dân được bảo mật tốt hơn, góp phần hạn chế nạn lừa đảo đang ngày càng tinh vi hơn.

"Chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ trong thời gian qua. Việc nâng cao bảo mật cho khách hàng là nhiệm vụ rất quan trọng. Công nghệ luôn là cuộc chạy đua dài hơi và tốn kém", ông Tùng nói.

Còn ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Ví chia sẻ, MoMo đang phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai việc xác thực sinh trắc học cho khách hàng. Hiện nay, khách hàng đã có thể bổ sung sinh trắc học trên ứng dụng MoMo.

Theo ông Diệp, trong một tuần qua, MoMo đã có 250.000 khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học với cơ sở dữ liệu của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an). Đến 1/7, tất cả các khách hàng sử dụng Ví MoMo sẽ xác thực bằng sinh trắc học.

"Thời gian qua, chúng tôi tiếp tục tăng cường các giải pháp an toàn bảo mật. Điển hình như chúng tôi có chứng chỉ bảo mật PCI DSS và phối hợp cùng C06 để nâng cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt, sinh trắc học cho khách hàng, ông Diệp nói.

Khách hàng xác thực sinh trắc học trên Ví MoMo. (Ảnh: Đại Việt)

Theo đại diện PVcomBank, thời điểm hiện tại, ứng dụng PVConnect của ngân hàng này đã được nâng cấp, hoàn thiện về nền tảng, sẵn sàng hỗ trợ các khách hàng cập nhật thông tin định danh sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip lên hệ thống cơ sở dữ liệu của PVcomBank.

Đại diện Ngân hàng ACB cho hay, từ ngày 10/6, ngân hàng này đã bắt đầu để khách đăng ký xác thực khuôn mặt. Theo đó, khách hàng thực hiện trên ứng dụng ngân hàng số ACB ONE phiên bản mới 3.26.0, điện thoại thông minh có hỗ trợ đọc NFC và thẻ căn cước gắn chip chính chủ còn hiệu lực.

Song song đó, khách hàng của ACB có thể chủ động đăng ký và kích hoạt ACB Safekey trên ứng dụng ACB ONE, tạo mã xác thực dùng một lần khi giao dịch trực tuyến, với công nghệ bảo mật hiện đại, ưu điểm vượt trội.

Còn theo đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, ngân hàng này đã hướng dẫn cài đặt sinh trắc học trên điện thoại cho khách hàng thông qua nhiều nền tảng khác nhau. Những video hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu giúp người dân có thể dễ dàng thực hiện.

Sinh trắc học là “khắc tinh” của tội phạm

Ông Nguyễn Phú Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng số PVcomBank cho biết, tính năng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt là một giải pháp hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ trong ngành tài chính ngân hàng.

"Chúng ta không chỉ trải qua thời đại thanh toán hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện mà còn phải đáp ứng tính bảo mật cao. Tính năng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt chính là một bước tiến như vậy. Đây không chỉ là một giải pháp thanh toán an toàn và thuận tiện cho người dùng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Phú Dũng nói.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB chia sẻ, nhân viên ngân hàng thường phải đối mặt với những cuộc gọi khẩn cấp vào nửa đêm hoặc sáng sớm liên quan đến việc khách hàng bị mất tiền trong tài khoản. Nhiều trường hợp khách hàng không nhận ra rằng họ đã cài ứng dụng giả mạo của cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng, dẫn đến việc mất tiền.

Do đó, yêu cầu xác thực khuôn mặt trong giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày là cần thiết để ngăn chặn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN đánh giá, Việt Nam đang có những bước tiến nhanh trong thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2019, nước ta có 1 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay Việt Nam có đến 9 tỷ giao dịch. Đây là mức tăng trưởng vô cùng lớn.

Theo ông Dũng, khi áp dụng Quyết định 2345, giao dịch thanh toán phải xác thực khuôn mặt. Điều này khiến tội phạm không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc và khó có thể lấy được tiền của chủ tài khoản.

“Việc xác thực sinh sinh trắc học là rất quan trọng, bởi khi chiếm đoạt được thông tin thì kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Do đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền”, ông Dũng nói.

Phó Thống đốc NHNN chia sẻ, hiện nay, giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 11% giao dịch. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày chỉ chưa đến 1%.

Cũng theo ông Dũng, người dân giao dịch ở mức 20 triệu đồng phải xác thực nhưng những giao dịch nhỏ hơn tiếp theo như 100.000 đồng, 500.000 đồng… thì không phải xác thực tiếp, cho đến khi chạm mức giao dịch 20 triệu đồng kế tiếp. Điều này khiến trải nghiệm của người dân không bị ảnh hưởng và gián đoạn.

Ông Dũng cho hay, với trường hợp người không cư trú mở tài khoản mà không có cơ sở dữ liệu căn cước công dân thì NHNN đang sửa quyết định cho phép mở tài khoản eKYC (xác thực khách hàng điện tử) tại ngân hàng.

ĐẠI VIỆT