Không tăng giá đột ngột hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu ổn định

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giá các mặt hàng trong tháng qua tương đối ổn định do nguồn cung vẫn khá dồi dào. Riêng giá một số mặt hàng có xu hướng tăng so với tháng trước như giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây lan ở một số địa phương gây ảnh hưởng đến nguồn cung; giá thóc gạo tại miền Nam tăng do cuối vụ thu hoạch trong khi nhu cầu xuất khẩu cao.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Nếu đánh giá theo tiêu chí CPI bình quân thì bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong các kịch bản lạm phát để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2024 ở mức 4 - 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Ngoài ra, nhóm nhiên liệu có giá LPG giảm, giá xăng dầu điều chỉnh phù hợp với biến động của thị trường ế giới. 5 tháng đầu năm 2024 nhìn chung giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Về giá mặt hàng xăng, dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng, dầu thế giới để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 12 lần tăng, 10 lần giảm.

Về khí hóa lỏng (LPG), các doanh nghiệp trong nước đã điều chỉnh giá bán lẻ LPG xuống mức 418 nghìn đồng/bình 12kg, giảm từ 7.500 - 10.000 đồng so với tháng 4.

Về dịch vụ khám, chữa bệnh, theo Bộ Tài chính, hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BYT của Bộ Y tế và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Ngoài ra, Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hàng trên toàn quốc và áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Bên cạnh đó, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29/6/2023 về khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp.

Về dịch vụ giáo dục, đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, học phí năm học 2023 - 2024 được giữ ổn định bằng mức học phí năm học 2021 - 2022. Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập lùi lộ trình học phí 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (trước đó, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định trong 3 năm học 2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023).

Nguy cơ làn sóng lạm phát tăng từ thế giới

Tại nghị trường khi bàn về tình hình kinh tế những tháng đầu năm, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng khi không thể chủ quan với lạm phát. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Trả lời báo chí mới đây, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nếu đánh giá theo tiêu chí CPI bình quân thì bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong các kịch bản lạm phát để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2024 ở mức 4 - 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tại Nghị quyết số 82/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng giá đột ngột và tăng giá cùng một thời điểm, hạn chế tác động lên lạm phát, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trên toàn cầu, tình hình lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long, những lo ngại “nhập khẩu” lạm phát là có cơ sở khi các nhà phân tích trên thế giới nhận định vẫn có nguy cơ xảy ra một làn sóng lạm phát tăng mạnh do xung đột địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, thị trường lao động mạnh hơn dự báo cũng có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, từ đó đẩy giá cả leo thang. Nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, nên sẽ nhận sự tác động trực tiếp từ giá cả thế giới.

Năm 2024, lạm phát bình quân toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống 5,8%, từ mức 6,8% của năm 2023. IMF nhận định áp lực giá cả trên thế giới sẽ giảm bớt khi các quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giá năng lượng giảm, cùng với thị trường lao động mạnh.

Việt Nam được dự báo ghi nhận lạm phát 3,4% năm 2024. Con số này thấp hơn mức lạm phát mục tiêu đã được Quốc hội thông qua cho năm nay là từ 4% - 4,5%. Năm 2023, lạm phát bình quân của Việt Nam tăng 3,25%.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu vẫn cần phải nhịp nhàng, hài hòa, tránh tăng giá cùng lúc. Đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và mức điều chỉnh học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh khi tình hình tốt, có dư địa điều chỉnh.

Lạm phát tăng nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát toàn phần tăng 0,1% so với tháng trước, đẩy lạm phát của năm so với cùng kỳ lên 4,4%. Yếu tố thúc đẩy chính vẫn là giá dầu cao hơn và lạm phát thực phẩm tăng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia từ HSBC, lạm phát dường như đã trở thành một vấn đề sát sườn khi đây là lần đầu tiên trong hơn một năm rưỡi, lạm phát tăng đến gần mức trần 4,5% mà mục tiêu Quốc hội đề ra. HSBC dự báo lạm phát sẽ vượt trần 4,5% trong quý II/2024 nhưng cũng chỉ trong thời gian rất ngắn, trước khi có thể giảm xuống dưới 4% so với cùng kỳ năm trước trong quý III/2024.

Dự báo trong tháng 6 và những tháng tiếp theo vào mùa mưa bão, sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới giá cả một số hàng hóa thiết yếu như rau xanh, lương thực, thực phẩm.

Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khả năng có thể vẫn duy trì được mức giá cao trên thị trường thế giới trong bối cảnh nguồn cung từ các thị trường xuất khẩu lớn chưa có tín hiệu nới lỏng. Giá xăng dầu dự báo còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới. Giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển cũng đang có xu hướng tăng gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nếu tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ tăng sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Đồng thời với đó là việc phải tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công, sẽ gây áp lực lên lạm phát.

Phân tích thêm về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định giá cả thị trường; cung ứng dồi dào hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; tăng cường công khai, minh bạch, giám sát kê khai giá, niêm yết giá theo quy định; không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ bất hợp lý. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo công tác điều hành giá.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cũng không nên quá lo ngại bởi mục tiêu kiểm soát lạm phát vẫn trong kịch bản của cơ quan quản lý. Do có kinh nghiệm trong điều hành nên hơn 10 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng luôn thấp hơn mục tiêu đề ra. Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra.

Thời điểm hiện nay vẫn còn quá sớm để dự báo chỉ tiêu CPI cả năm, nhưng vẫn không thể chủ quan./.

Minh Anh