Kiên quyết đấu tranh với các hành vi gian lận hóa đơn để trốn thuế

Kiên quyết đấu tranh với các hành vi gian lận hóa đơn để trốn thuế

Một số hành vi gian lận hóa đơn để trốn thuế

Hóa đơn điện tử (HĐĐT) ra đời được đánh giá đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN), người dân và toàn xã hội. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, nhiều đối tượng đã mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế. Trong quá trình quản lý thuế, cơ quan thuế đã chỉ ra các hành vi gian lận về hóa đơn.

Cụ thể, trong vấn đề đăng ký kinh doanh, lợi dụng thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, hồ sơ nộp điện tử, cá nhân không phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh, hệ thống đăng ký kinh doanh chưa tự động kiểm soát dữ liệu. Do đó, một số cá nhân sử dụng giấy tờ pháp lý không phù hợp thực hiện đăng ký DN, hoặc kê khai thông tin không chính xác; người đại diện pháp luật của DN không phải là người địa phương, hoặc không có hộ khẩu thường trú tại nơi đăng ký kinh doanh, thành lập DN tại địa bàn miền núi đi lại khó khăn; cá nhân đăng ký nhiều DN sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh thành lập DN khác với mục đích mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...

Đối với hành vi gian lận về lập HĐĐT, khai thuế, các đối tượng thực hiện xuất khống hóa đơn (trong đó có trường hợp là hóa đơn giả) để trục lợi; lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, tăng chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp, kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu...

Lập hóa đơn với số lượng lớn để bán hàng hóa, dịch vụ với doanh thu lớn, tăng bất thường, sau đó xin tạm ngừng nghỉ kinh doanh, khi cơ quan thuế yêu cầu giải trình, thì người nộp thuế (NNT) bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh. Lập hóa đơn khống cho các DN mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường để hợp thức đầu vào làm giảm số thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN).

Thành lập DN hoặc chuyển địa điểm kinh doanh để lập hóa đơn bán các mặt hàng phù hợp tại địa bàn từng tỉnh như: Nhân công, thuê máy móc thiết bị để hợp thức đầu vào cho DN mua hóa đơn.

Lập HĐĐT bán ra những mặt hàng không có trong ngành nghề đăng ký kinh doanh, có những mặt hàng không có tại địa phương và các mặt hàng theo quy định khi mua vào không có hóa đơn như: sắt thép phế liệu, vỏ trấu, các mặt hàng thực phẩm, củi đầu mẩu cao su, cáp điện, cát, đất, đá tận thu..., cho các DN khác để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT..., sau đó đi mua hóa đơn của các DN ngoài tỉnh để hợp thức đầu vào để không phát sinh số phải nộp NSNN.

Một số DN kê khai thuế GTGT tháng, quý đúng số liệu trên hóa đơn bán ra đã lập, nhưng kê khai khống giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào, thuế GTGT đầu vào dẫn đến số thuế phải nộp theo kê khai thấp hoặc không phát sinh số thuế phải nộp...

Người dân cung cấp thông tin được thưởng tiền

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, để tăng cường đấu tranh với các hành vi gian lận về hóa đơn, trốn thuế, thời gian qua ngành Thuế thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuế để nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn.

Cùng với đó, ngành Thuế đã sử dụng nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn đến thực hiện thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng… nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, hóa đơn nhằm trục lợi bất chính.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Thuế ảng Bình cho biết, hiện tất cả các tổ chức, DN, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai trên địa bàn đã sử dụng HĐĐT. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng một số cơ sở kinh doanh khi bán hàng, cung cấp dịch vụ vẫn sử dụng hóa đơn bán lẻ, bản kê tính tiền, phiếu thanh toán và các loại chứng từ bán hàng khác bằng giấy mà không xuất HĐĐT cho khách hàng. Điều này dẫn đến rủi ro bán hàng, nhưng không xuất HĐĐT nhằm mục đích trốn thuế.

Để ngăn chặn các hành vi bán hàng không xuất hóa đơn gây thất thu cho ngân sách, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng với các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt pháp luật về hóa đơn, Cục Thuế Quảng Bình đã tăng cường xử lý việc bán hàng không xuất hóa đơn, nhằm chống thất thu NSNN.

Theo đó, Cục Thuế Quảng Bình đã thành lập các bộ phận “tiếp nhận thông tin” tại văn phòng cục thuế và các chi cục thuế để tiếp nhận thông tin bán hàng không xuất hóa đơn vào tất cả các ngày trong tuần 24/7.

Để khuyến khích người dân cung cấp thông tin, Cục Thuế Quảng Bình sẽ thưởng tiền tương đương 10% giá trị tiền phạt thu được đối với hành vi bán hàng nhưng không xuất hóa đơn mức phạt tối đa là 20 triệu đồng/lần, người cung cấp được thưởng tối đa 2 triệu đồng; đối với hành vi lập hóa đơn sai thời điểm mức phạt cao nhất lên đến 8 triệu đồng/lần, người cung cấp được thưởng tối đa 800 ngàn đồng.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan

“Để đấu tranh có hiệu quả hơn với các hành vi mua bán hóa đơn trái phép, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan thuế và các sở, ban, ngành chức năng tại địa phương, cùng vào cuộc chống thất thu cho ngân sách nhà nước".

Ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Văn Tuấn