Kinh nghiệm quốc tế: Xét nghiệm Covid-19 thành thông lệ

Trở thành “quốc gia xét nghiệm”

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/9 cùng với các đồng chủ tịch nhóm liên Bộ ứng phó Covid-19 của Singapore, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong đã công bố chi tiết về chiến lược xét nghiệm toàn quốc, nhằm kiểm soát đà tăng của các ca bệnh mới trong bối cảnh Singapore đang trong giai đoạn chuẩn bị thứ nhất của kế hoạch “sống chung với Covid-19”. “Chúng ta đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao, là một trong những nước dẫn đầu về tiêm chủng. Giờ đây chúng ta nên hướng tới việc trở thành một “quốc gia xét nghiệm” - nơi mà việc xét nghiệm Covid-19 trở thành thông lệ” - ông Wong nói.

Các cổ động viên thực hiện xét nghiệm nhanh để được vào sân OCBC Arena xem giải đấu Singapore Tennis Open. Ảnh: Straits Times

Hiện, 170 buồng xét nghiệm đã được bố trí trên toàn Singapore để cho phép những người bị ho, khó thở hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng đường hô hấp có thể đến lấy mẫu để kiểm tra, đồng thời củng cố sự an toàn cho các bệnh viện. Các buồng di động này là một phần của mạng lưới 900 Phòng khám Chuẩn bị cho Sức khỏe Cộng đồng (PHPC) trải khắp quốc đảo, trong đó có 400 cơ sở được trang bị để cho phép bất kỳ ai từ 13 tuổi trở lên có triệu chứng nghi vấn được xét nghiệm virus.
Bên cạnh đó, ít nhất 20 trung tâm thử nghiệm nhanh đã được thành lập, chính thức mở cửa cho công chúng từ ngày 1/10 tới, để mọi người có thể đặt lịch xét nghiệm tự trả phí. Điều này sẽ bổ sung cho quá trình xét nghiệm thường xuyên và thuận tiện cung cấp cho mọi người các kết quả kiểm tra bắt buộc để đáp ứng yêu cầu lao động, hoặc để một người chưa được tiêm chủng có thể tham dự các sự kiện cộng đồng. Chính phủ Singapore đã bắt buộc xét nghiệm định kỳ - 2 tuần/lần - đối với một nhóm 200.000 người được cho có nguy cơ cao phơi nhiễm Covid-19. Những người này bao gồm công nhân nhập cư sống trong ký túc xá, lao động trở lại làm việc trong lĩnh vực hàng hải, chế biến, dịch vụ chăm sóc cá nhân… cũng như người hỗ trợ hoạt động Covid-19 nơi tiền tuyến, bất kể đã tiêm phòng hay chưa.
Trước đó, Vương quốc Anh hồi tháng 4 năm nay tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí các xét nghiệm Covid-19 2 lần/tuần cho bất kỳ ai có nhu cầu. Đức cũng đang dựa vào thử nghiệm nhanh rộng rãi để trở lại cuộc sống bình thường với ít hạn chế hơn và khảo sát các ổ dịch mới. Chính phủ Berlin đã lên kế hoạch thu phí xét nghiệm kể từ ngày 11/10 tới để kích thích người dân tiêm vaccine miễn phí.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Singapore lưu ý: “Việc kiểm tra thường xuyên không nên chỉ giới hạn ở những người làm việc trong những môi trường nhất định. Chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người, cho dù bạn đã tiêm chủng hay chưa, hãy tự xét nghiệm bản thân thường xuyên như một hành động có trách nhiệm với xã hội”. Đây được cho là lý do vì sao Chính phủ Singapore hồi tháng 7 vừa qua quyết định phân phối miễn phí bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên (ART) cho mọi hộ gia đình. Các bộ ART cũng đã được bán rộng rãi tại các cửa hàng bán lẻ ở Singapore.
“Mỗi người dân có thể kết hợp một số biện pháp phòng ngừa đơn giản nhưng hiệu quả vào thói quen hàng ngày của mình để giúp cả nước chống lại virus… bao gồm việc duy trì vệ sinh cá nhân tốt, tham khảo bác sĩ và ở nhà khi cảm thấy không khỏe, cũng như tự xét nghiệm và hạn chế các giao tiếp xã hội khi đang chờ đợi kết quả” - Bộ trưởng Wong nói hôm 26/7.
Áp dụng phù hợp nhiều hình thức xét nghiệm
Ngay từ tháng 2 năm ngoái, các trường công lập Northborough - Southborough ở phía Đông bang Massachusetts (Mỹ) đã bắt đầu một quy trình mới: Mỗi tuần 1 lần, hàng nghìn học sinh tự ngoáy mũi tại nhà và nhét tăm bông vào túi nhựa, sau đó mang đến trường. Ở trường, các mẫu được gộp lại thành từng nhóm 16 người và chuyển đến một phòng thí nghiệm gần đó. Các kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm sau đó đã thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) đối với các mẫu này. Nếu một thử nghiệm cho kết quả âm tính, không cần phải xét nghiệm lại từng học sinh trong mẫu gộp đó.
Thử nghiệm mẫu gộp - đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trong chiến dịch truy vết F0 - giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc so với xét nghiệm PCR từng người, nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Không phải mọi trường học, cơ quan, cộng đồng đều dễ dàng tiếp cận phòng thí nghiệm có khả năng phân tích PCR, trong khi quy trình xét nghiệm này cũng mất một vài ngày để có được kết quả. Điều này khiến xét nghiệm PCR trên diện rộng càng trở nên bất lợi trước biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh chóng lúc này. Vì vậy, xét nghiệm ART nhanh và rẻ hơn đang được thúc đẩy sử dụng rộng rãi, nhưng cũng vướng nghi ngại về tính hiệu quả, do kháng nguyên được phát hiện có thể đến từ nhiều nguồn, dẫn đến không ít trường hợp “dương tính giả” với virus SARS-CoV-2.
“Đó thực sự không phải là vấn đề” - nhà vi sinh vật học người Australia Paul Wood giải thích - “Câu hỏi đặt ra là nên sử dụng xét nghiệm ART trong những trường hợp nào?” Theo ông, nếu kết quả xét nghiệm PCR không thể có được trong vòng 5 ngày đổ lại thì xét nghiệm đó gần như “vô nghĩa”, vì khi đó cơ quan y tế không còn đánh giá chính xác được tải lượng virus đang lưu hành trong cộng đồng. “Nếu bước đầu cần xem xét liệu có virus trong một cụm dân cư nhất định nào đó hay không, có thể sàng lọc đơn giản bằng cách sử dụng xét nghiệm nhanh. Chúng là để bổ sung cho những gì chúng ta sẽ làm sau đó, không phải thay thế hoàn toàn xét nghiệm PCR”, Giáo sư Wood nói với ABC News. Một số chuyên gia thậm chí “đánh cược” rằng, thà để một số người khỏe mạnh tự cách ly tạm thời vì kết quả dương tính giả, hơn là để cả cộng đồng phải ở yên trong nhà vì lệnh phong tỏa, hoặc tệ hơn là sống trong môi trường virus không thể bị phát hiện vì thiếu xét nghiệm.
Tại Singapore, cùng với việc phân phối bộ thử nghiệm ART cho các gia đình, giới chức nước này cũng đang triển khai các hình thức xét nghiệm khác, bao gồm tầm soát Covid-19 qua hơi thở tại các trạm kiểm soát và giám sát nước thải tại các khu dân cư. Năm ngoái, kiểm dịch tại Đại học Colorado Mesa, bang Colorado (Mỹ) không chỉ đơn giản là ngoáy mũi sinh viên mà còn xem xét chất thải cơ thể của họ. Những mẫu chất thải được thu thập từ các nhà vệ sinh trong khuôn viên trường và thậm chí ở các khu vực lân cận, sau đó được mang đi xét nghiệm PCR để sàng lọc Covid-19 hiệu quả trên hàng nghìn người. Trường cũng đã lấy mẫu nước thải từ các ký túc xá của mình, giúp phát hiện sớm 5 đợt bùng phát Covid-19 tại đây trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Các biện pháp xét nghiệm chủ động và sáng tạo như vậy đang tiếp sức cho các trường học tại Mỹ và nhiều nước khác mở cửa đón học sinh trở lại, bao gồm cả trẻ dưới 12 tuổi chưa thể tiêm vaccine Covid-19, trong mùa Thu này.

"Chúng ta đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao, là một trong những nước dẫn đầu về tiêm chủng. Giờ đây chúng ta nên hướng tới việc trở thành một “quốc gia xét nghiệm” - nơi mà việc xét nghiệm Covid-19 trở thành thông lệ." - Lãnh đạo nhóm liên Bộ ứng phó Covid-19 của Singapore Lawrence Wong

Hương Thảo