Tội phạm quốc tế có tổ chức: Quả bom nổ chậm trong lòng châu Âu

Những hồi chuông gay gắt

Gần hai tháng trước, ngày 21/2, cảnh sát Đức đã đột kích các địa điểm diện rộng, trong một chiến dịch lớn do Europol tiến hành, nhằm khống chế các nhóm buôn người có liên quan hoạt động di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche.

Theo Bộ Nội vụ Đức, các cuộc đột kích được thực hiện theo 25 lệnh bắt giữ của Europol, diễn ra ở các bang North Rhine-Westphalia (Nordrhein-Westfalen), Hesse (Hessen), Bavaria (Bayern) và Schleswig-Holstein, trong đó tập trung nhất vào North Rhine-Westphalia ở phía Tây nước Đức. Nhật báo Bild cho biết 700 sỹ quan cảnh sát đã tham gia chiến dịch này, trong đó có các thành viên của đơn vị GSG9 tinh nhuệ. Bên cạnh đó, thậm chí, cuộc truy quét còn có sự tham gia của các đơn vị cảnh sát Pháp và Bỉ.

Nỗi ưu tư của bà Ylva Johansson (ngoài cùng bên trái).

Đó cũng chính là thời điểm mà các cuộc đàm phán giữa và nước Anh, để hoàn tất tiến trình đàm phán về thỏa thuận chi tiết mới nhằm xử lý tình trạng di cư bất hợp pháp, đang được thúc đẩy vô cùng gấp rút. Những diễn biến này tô đậm một mệnh đề chưa từng bớt nóng bỏng suốt hơn một thập kỷ qua: Tình trạng di cư bất hợp pháp có liên quan mật thiết đến tệ nạn tội phạm buôn người xuyên biên giới – điều khiến không ít nhà lãnh đạo của các cường quốc phát triển “đau đầu”, suốt từ cuộc khủng hoảng người di cư từng “hành hạ” châu Âu kể từ đầu thập niên 2010-2020. Và đến hiện tại, như Europol vừa nhấn mạnh: Buôn người vẫn là một trong ba hình thức tội phạm có tổ chức chủ yếu tại EU, bên cạnh lừa đảo và buôn bán ma túy.

Các nhóm tội phạm được cho là "gây thiệt hại đáng kể cho an ninh nội bộ, luật pháp và nền kinh tế của EU".

Chi tiết hơn, báo cáo của Europol cho biết những thành viên của các mạng lưới tội phạm đang hoạt động ở EU đến từ 112 quốc gia, trong đó, 71% mạng lưới tội phạm ở EU có liên quan đến tham nhũng, và 68% trong số đó sẵn sàng sử dụng bạo lực. Giám đốc Europol khẳng định: Tất cả các mạng lưới tội phạm này hiện đều nằm trong tầm ngắm của cảnh sát. Bà Catherine De Bolle cũng nhận định: Cơ sở dữ liệu trung tâm mà Europol quản lý sẽ giúp cảnh sát tập trung hoạt động tốt hơn, đồng thời cải thiện các cuộc điều tra xuyên biên giới – đối sách thích hợp nhất để trấn áp tội phạm có tổ chức xuyên biên giới.

Bà Ylva Johansson - Ủy viên Nội vụ EU – đánh giá: Các nhóm tội phạm “là mối đe dọa lớn” đối với liên minh. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Annelies Verlinden cho rằng EU đã và đang bắt đầu thiết lập một công cụ mới trong cuộc chiến chống tội phạm nguy hiểm và có tổ chức. Theo bà Verlinden, báo cáo của Europol cho thấy “cam kết vững chắc trong việc đảm bảo an toàn và an ninh cho công dân” của EU. Tuy nhiên, bà cũng vẫn khẳng định: Mặc dù là một “thành tựu quan trọng,” song báo cáo của Europol vẫn chỉ là bước khởi đầu, và thực tế đòi hỏi nhiều hành động quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Thí dụ, từ ngày 24/1/2024, EU cùng các cơ quan quản lý cảng châu Âu đã ra mắt một liên minh mới nhằm giải quyết nạn buôn lậu ma túy và tội phạm có tổ chức trong khối. Lễ ra mắt liên minh được tổ chức tại cảng Antwerp (Bỉ) - cửa ngõ chính mà tội phạm ma túy sử dụng để tuồn ma túy vào châu Âu. Sự kiện có sự tham gia các Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU, đại diện 16 cảng biển của khối cùng các tổ chức vận tải biển. Liên minh mới này ra đời nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng bị trước các mối đe dọa do tội phạm có tổ chức gây ra. Sự xuất hiện của nó cũng nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin và các mô hình hoạt động, đồng thời lập bản đồ luồng vận chuyển ma túy và triệt phá các băng đảng tội phạm. Bởi, như bà Verlinden nhận định: Việc châu Âu có một liên minh mạnh mẽ là cách duy nhất để chống lại mạng lưới tội phạm.

Không khác gì nguy cơ khủng bố

Từ hơn một năm trước (ngày 7/2/2023), bà Ylva Johansson cũng đã cảnh báo: Tội phạm có tổ chức đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng, tương tự chủ nghĩa khủng bố, đối với các quốc gia thành viên trong EU.

Ngày hôm đó, tại Antwerp, bà Johansson nhấn mạnh: “Tôi có thể khẳng định rằng hiện nay, mối đe dọa - mà chúng ta đang phải đương đầu với tội phạm có tổ chức - gây ra cho xã hội có mức độ nghiêm trọng tương đương mối đe dọa khủng bố. Chúng ta phải chiến đấu với mối đe dọa này bằng sức mạnh, cam kết và quyết tâm tương tự… Rõ ràng là những nhóm tội phạm có tổ chức này hoạt động xuyên biên giới, chúng mang tính quốc tế, và đó là lý do chúng ta cần đến sự hợp tác quốc tế”.

Europol đang nỗ lực thiết lập mạng lưới liên kết và chia sẻ thông tin nhằm đối phó tội phạm có tổ chức.

Bà cũng đưa dẫn chứng: Tại Thụy Điển quê hương bà, trong vòng 12 tháng trước đó 90 vụ đánh bom và 388 sự cố bạo lực súng đạn đã xảy ra, khiến 61 người thiệt mạng. Nguyên nhân chính dẫn tới hậu quả này là hoạt động buôn bán ma túy. Không chỉ vậy, các băng nhóm tội phạm còn công khai gửi những thông điệp đe đọa đến các nhà lãnh đạo cấp cao tại châu Âu, như Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hay Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne.

Có thể nói, những nguồn lợi nhuận khổng lồ đã tiếp thêm dũng khí cho giới tội phạm quốc tế, để sẵn sàng công nhiên đối đầu với nhà chức trách cũng như pháp luật. Không chỉ vậy, tình trạng tham nhũng trong giới quan chức trên toàn EU cũng bị cho là đóng vai trò chủ chốt, trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn bán ma túy nói riêng và tội phạm có tổ chức nói chung.

Năm 2023 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các vụ bắt giữ ma túy ở một số nước châu Âu. Riêng cảng Antwerp, lực lượng phòng chống ma túy Bỉ đã tịch thu lượng ma túy kỷ lục lên tới 121 tấn cocaine, tăng 10% so với năm trước. Theo Euronews, tại châu Âu, gần 70% số vụ bắt giữ ma túy do hải quan thực hiện diễn ra tại các cảng biển. Giám đốc Europol Catherine De Bolle cho biết: Các cảng biển của EU đóng góp tới 75% tổng khối lượng xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực, song đặc biệt dễ bị các băng nhóm tội phạm lợi dụng để buôn lậu ma túy. Với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, các băng đảng dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. Điều đó cho thấy nhu cầu hợp tác nhiều hơn, không chỉ giữa cảnh sát và hải quan mà còn với các nhà điều hành tư nhân trong các cảng.

Ở một khía cạnh khác, như hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo Europol ngày 5/4/2024, 41% các nhóm tội phạm sử dụng bất động sản như công cụ rửa tiền chính. Các hình thức rửa tiền phổ biến còn lại có thể kể tới hàng xa xỉ, tiền kỹ thuật số, và các hoạt động kinh doanh sử dụng nhiều tiền mặt. Europol cũng khẳng định: Hầu như không một nhóm tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức nào mà không liên kết với một lĩnh vực trong nền kinh tế để thực hiện hành vi phạm tội, che đậy hoạt động tội phạm hoặc rửa tiền từ lợi nhuận bất chính. Cũng không nghi ngờ gì, càng lúc, các hành vi phạm tội càng được thực hiện tinh vi, nhờ sự hỗ trợ của các thành tựu công nghệ cao – một dạng con dao hai lưỡi.

Một cách ngắn ngọn, các thiết chế kinh tế - xã hội ở châu Âu, vốn chưa kịp hoàn toàn hồi phục sau đại dịch COVID-19, vốn vẫn đang bị thương tổn bởi các tác động của xung đột cũng như suy thoái hay lạm phát, lại càng thêm xộc xệch do ảnh hưởng kép từ tội phạm có tổ chức, khủng hoảng người di cư (bất hợp pháp) cũng như các hình thái của nạn tham nhũng. Đặt cạnh khoảng cách phân hóa giàu – nghèo cũng như tâm trạng bất mãn càng lúc càng tăng cao trong xã hội châu Âu, những vấn đề tồn tại này, về lâu dài, có thể xem là những quả bom nổ chậm có sức hủy hoại ghê gớm, và nhất thiết cần phải được gấp rút vô hiệu hóa.

Thực tế, vào lúc này, những gì mà châu Âu đối diện cũng đã và đang trở thành một bài học kinh nghiệm quan trọng, cho mọi liên minh, cộng đồng hay quốc gia đang phát triển, trong thế giới đang hối hả đa chiều và toàn cầu hóa này.

Thiên Thư