Lo ngại sức khỏe kinh tế Mỹ, Dow Jones 'bốc hơi' gần 400 điểm

Thị trường Phố Wall "đỏ lửa" sau khi báo cáo về doanh số bán nhà và niềm tin người tiêu dùng mới nhất làm gia tăng lo ngại về kinh tế Mỹ.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones lao dốc 388 điểm (khoảng 1,14%) về mức 33.618,88 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Chỉ số này cũng có phiên dưới ngưỡng trung bình trong 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023.

Cổ phiếu Amazon sụt 4% - mức cao nhất trong nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn, sau khi “ông lớn” này bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đệ đơn kiện chống độc quyền. FTC cho rằng hãng bán lẻ trực tuyến này giữ giá quá cao và ảnh hưởng đến đối thủ.

Trong khi đó, dữ liệu về doanh số bán nhà mới tháng 8 thấp hơn kỳ vọng. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, tổng số nhà đang rao bán trong tháng 8 là 675.000 căn, giảm 8,7% so với tháng trước đó. Số liệu này cũng thấp hơn mức dự báo 695.000 căn của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát do Dow Jones thực hiện.

Cùng với đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9 trong cuộc khảo sát của Conference Board giảm từ mức 108,7 điểm trong tháng 8 xuống còn 103 điểm. Trước đó, các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones dự báo mức 105,5 điểm.

Bên cạnh đó, chỉ số kỳ vọng của Conference Board cũng chỉ đạt 73,7 điểm. Chỉ số kỳ vọng dưới ngưỡng 80 thường báo hiệu một cuộc suy thoái trong năm tới.

Giới chuyên gia cho rằng người tiêu dùng Mỹ đang trở nên bi quan hơn đối với kinh tế Mỹ trong tương lai.

Chiến lược gia về kinh tế vĩ mô toàn cầu Sonu Varghese tại Carson Group nói với đài CNBC: “Người tiêu dùng cảm thấy yên tâm về sức khỏe hiện tại của kinh tế Mỹ, bao gồm cả triển vọng việc làm, nhưng họ bi quan hơn về triển vọng trong tương lai”.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, mới đây cảnh báo lãi suất có thể cần phải tăng hơn nữa để kìm hãm lạm phát. Nhận định của (CEO) JPMorgan Chase càng góp phần khiến tâm lý của nhà đầu tư cổ phiếu bất an hơn trong ngày thứ Ba.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đi xuống, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF sụt hơn 1%. Cổ phiếu Wells Fargo cùng Morgan Stanley lần lượt giảm 2% và 1%.

Phiên lao dốc này làm gia tăng mức giảm của thị trường Phố Wall trong tháng 9. Tính đến nay, chỉ số Nasdaq Composite lao dốc gần 7%, S&P 500 mất hơn 5%, còn Dow Jones sụt 3%.

Một trong những lý do chính khiến chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong tháng này là cảnh báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng có thể phải giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn để kiềm chế lạm phát.

Triển vọng Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất kể từ năm 2007.

Chiến lược gia đầu tư trưởng Sam Stovall tại CFRA Research đánh giá: “Các nhà đầu tư đang cảm thấy lo lắng về đà tăng liên tục của lợi suất trái phiếu Mỹ, về rủi ro với nền kinh tế, thị trường chứng khoán, về Fed cũng như tỷ giá đồng USD”.

Theo chuyên gia Stovall, các nhà đầu tư đang thiếu định hướng rõ ràng để đầu tư, do đó đã quyết định bán bớt tài sản trong danh mục.

Ngoài ra, ngân hàng Barclays cho rằng các cuộc đình công đang diễn ra của Nghiệp đoàn công nhân ô tô Mỹ (UAW) có thể gây áp lực mới đối với lạm phát.

Nhà phân tích Pooja Sriram của Barclays hôm 25/9 lưu ý, cuộc đình công tại 3 nhà máy sản xuất ô tô lớn của Mỹ, gồm Ford, General Motors và Stellantis - có nguy cơ khiến lượng tồn kho ô tô vốn đã ở mức thấp kỷ lục tiếp tục giảm mạnh.

Trong tuần này, thị trường Phố Wall cũng hướng sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đàm phán về dự luật chi tiêu tại Washington. Các nhà lập pháp hy vọng có thể ngăn chặn nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa vào ngày 1/10.

Nguyễn Thu