Mở rộng thị trường cho hàng hóa vùng cao

Ảnh: minh họa

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, sản lượng thấp, chất lượng mẫu mã không đảm bảo chính là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho vùng miền núi, hải đảo.

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng TMĐT lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada... đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT. Nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền núi như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang, bí xanh thơm Bắc Kạn... đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh TMĐT, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Rõ ràng, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn II (từ năm 2021-2025) đang bước đầu phát huy hiệu quả trong xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.

Chương trình đã hỗ trợ đắc lực thương mại phát triển tại 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên cả nước - những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, số lượng các sản phẩm vùng miền núi, hải đảo giao dịch trên sàn TMĐT chưa nhiều, chiếm tỷ lệ chưa tới 10%, nhiều đặc sản gặp khó khăn trong việc đưa lên sàn TMĐT trong nước và quốc tế.

Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cần đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn để đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng TMĐT, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào tiến trình hội nhập của khu vực miền núi, hải đảo. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT trong giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. Đây là kênh sẽ giúp kết nối, đưa những sản phẩm của khu vực này tiếp cận với người tiêu dùng trong cả nước, thúc đẩy sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, cần tập chung định hướng cho bà con nông dân đưa vào sản xuất các sản phẩm đặc sản, có thế mạnh của địa phương, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm; chủ động, sáng tạo trong chế biến, đóng gói nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa và khắc phục yếu tố mùa vụ.

Đối với công tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục triển khai hình thức, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để phát huy đầy đủ, hiệu quả kênh TMĐT; chủ động lồng ghép các yếu tố văn hóa, yếu tố bản địa để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thiết nghĩ, việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa vùng miền núi, hải đảo thông qua các kênh TMĐT không chỉ đưa hàng hóa khu vực này tới gần hơn với thị trường, mà còn góp phần tích cực nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Thanh Thảo