Nâng tầm hội nhập, tăng tốc xuất khẩu thủy sản

Ông Phùng Đức Tiến. Ảnh: Hải Luận

Vẫn còn xuất thô nhiều

- Có một chuyên gia Hà Lan nói rằng, Việt Nam thấy những con số của ngành thủy sản rất to, nhưng thực chất, tiền thì không được bao nhiêu. Quan điểm của ông như thế nào?

- Đất nước ta đang đi từ sản xuất thủy sản nhỏ, hàm lượng trí tuệ kết tinh vào sản phẩm chưa cao. Nhìn từ đội tàu khai thác, vùng nuôi trồng còn lạc hậu, vẫn còn xuất thô nhiều, giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm chưa được nâng cao. Nếu xét về tổng số lượng tàu khai thác, diện tích nuôi trồng thủy sản của nước ta đang đứng đầu các nước ASEAN, nhưng doanh thu vẫn còn thấp so với công sức của chúng ta bỏ ra.

Khi chúng ta hội nhập sâu vào chuỗi kinh tế toàn cầu, cần thay đổi quan niệm mang bán cái gì thế giới cần, chứ không phải theo thói quen bán những thứ chúng ta có. Chuyển đổi sản xuất thủy sản sang tư duy kinh tế thủy sản. Tới đây, đồng thời với xúc tiến thương mại, cần cơ cấu lại ngành hàng, hiện đại hóa sản xuất, đáp ứng được các tiêu chí quốc tế.

- Ở Uy, chỉ tập trung nuôi cá hồi quy mô công nghiệp, họ đã chiếm 60 - 70% thị phần cá hồi của thế giới. Việt Nam có cá chẽm được ví như “cá hồi nhiệt đới”, hiện nay chỉ chiếm 2% thị phần thế giới. Theo ông, Việt Nam có nên tập trung nuôi cá chẽm và xuất khẩu giống như cá hồi của Na Uy?

- Vùng biển nước ta đang nuôi cá chẽm, chim vây vàng, rong nho, rong sụn... đây là lợi thế cần phát huy. Ngành nuôi trồng thủy sản của Na Uy đã có từ những năm 1970, họ có lợi thế nhiều vịnh, đảo kín gió, vùng biển lạnh... ưu thế phát triển cá hồi. Ở Khánh Hòa có Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã đầu tư 200 triệu USD nuôi cá chẽm trên vịnh Vân Phong. Trước khi công ty này lập cơ sở và lồng nuôi quy mô công nghiệp, họ đã nuôi thử nghiệm 30 loại cá biển tại Việt Nam, chọn ra cá chẽm thịt ngon đưa vào nuôi công nghiệp. Hiện nay, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đạt sản lượng trên 12.000 tấn cá chẽm/năm, xuất khẩu 100% sang thị trường Mỹ.

Mô hình nuôi cá chẽm ở vịnh Vân Phong đang áp dụng giống như công nghệ nuôi biển của Na Uy, tự sản xuất con giống, tiêm vắc xin cho cá, nuôi ở lồng lớn, kiểm soát dịch bệnh cả hệ sinh thái, thu hoạch chế biến... Nếu chúng ta phát huy và nhân rộng mô hình nuôi cá chẽm như ở Khánh Hòa ra nhiều địa phương khác, chắc chắn không bao lâu, cá chẽm của Việt Nam sẽ xuất khẩu giống như cá hồi của Na Uy. Chính phủ đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển xa bờ theo hướng công nghiệp.

- Vừa rồi, có nhiều doanh nghiệp của nước ta sẵn sàng đầu tư nuôi biển quy mô công nghiệp, kết hợp làm du lịch, nhưng chính quyền một số địa phương chậm giao cho thuê mặt nước?

- Đúng là có doanh nghiệp đề xuất thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản, nhưng các địa phương vẫn còn đưa ra nhiều lý do khó khăn. Nếu năm 2024, Chính phủ vẫn chưa thông qua được quy hoạch quốc gia, chính quyền vẫn chưa giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp thuê mặt nước biển, trong khi thực tiễn phát triển nuôi biển tự phát đang diễn ra rất rầm rộ. Lĩnh vực này, tôi đề nghị các tỉnh, thành và Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc quyết liệt để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đến những vùng nuôi trồng hợp lý. Nếu không giải quyết tốt, vài năm tới, chúng ta lại đi khắc phục hậu quả. Ví như thời kỳ phong trào đóng tàu đánh bắt xa bờ phát triển rất mạnh, đóng tàu không có hồ sơ, không đăng ký, không đăng kiểm. Hiện nay, chúng ta phải đi khắc phục 1.226 chiếc tàu này.

Tập trung vào ba trụ cột chính

- Hàng xuất thủy sản của nước ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chỉ cần một tác động gì đó xảy ra ở cửa khẩu, hoặc phía trong nội địa của bạn, ngay lập tức ảnh hưởng đến ngư dân, doanh nghiệp của ta. Tại sao chúng ta không mở thêm nhiều thị trường khác?

- Cả thế giới đều muốn bán hàng tại thị trường Trung Quốc, vì quốc gia này có 1,4 tỉ người, nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Thủy sản tươi sống của Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn, trong đó, tôm hùm chiếm 97 - 99% sản lượng của Việt Nam sang thị trường này. Thử làm một bài toán kinh tế nhỏ, nuôi hàu, nuôi cá ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng xuất sang Trung Quốc bán với giá cao, đường đi ngắn hơn so với bán ở Hà Nội, Ninh Bình...

Bây giờ đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, mỗi quốc gia, mỗi thị trường đều có đường đi của nó. Vấn đề cốt lõi đối với người nuôi trồng, khai thác, doanh nghiệp chế biến phải thực hiện nghiêm túc mã số vùng nuôi, mã số đóng gói... theo tiêu chuẩn, quy định quốc tế. Sản phẩm tốt sẽ đáp ứng được tất cả các thị trường trên thế giới.

Nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

- Thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, theo ông, đối với ngư dân, doanh nghiệp nuôi trồng và khai thác thủy sản nước ta cần làm gì?

- Phải tập trung hiện đại trong sản xuất, nâng tầm hội nhập, tăng tốc xuất khẩu thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 3 trụ cột phát triển: khai thác, nuôi trồng, bảo tồn.

Trước mắt, tập trung làm mọi biện pháp để gỡ “thẻ vàng” khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của châu Âu đối với ngành khai thác thủy sản của chúng ta. Về lâu dài, phải giảm số lượng tàu khai thác chuyển sang nuôi trồng. Đây là biện pháp quan trọng để giảm áp lực cho môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển của nước ta.

Lĩnh vực nuôi trồng phải đi theo chuỗi sản xuất, thức ăn, con giống, địa chỉ nuôi, an toàn sinh học, phòng bệnh... Nói một cách dễ hiểu, an toàn thực phẩm đi từ ao nuôi đến bàn ăn. Giảm xuất thô, tập trung chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm. Công ty Yến sào Khánh Hòa, từ một tổ yến đã nghiên cứu và chế biến ra 60 sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Chế biến sâu mang lại giá trị gia tăng trên sản phẩm đạt rất cao.

Mặt khác, quyết liệt chuyển đổi số theo nhịp phát triển của thế giới. Tôi ví dụ, một người tiêu dùng ở châu Âu lấy điện thoại ra quét lên mã sản phẩm, mọi thông tin nuôi trồng, chế biến, đóng gói... được hiện lên đầy đủ, họ an tâm tiêu dùng sản phẩm đó. Ngày mai, chính khách hàng đó sẽ đi nói ra để nhiều người khác tìm mua sản phẩm có đầy đủ thông tin. Giá trị từ kinh tế số mang lại là rất lớn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hải Luận (thực hiện)