Nền kinh tế thị trường Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp FDI rất thành công

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thục (nhà báo Thục Minh), Chủ tịch tổ chức Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam (VN) -Thụy Sĩ (SVBG) có trụ sở tại ụy Sĩ, nhận định: Thụy Sĩ đã thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh doanh tại VN từ sớm, gặt hái thành công, từ đó công nhận VN là kinh tế thị trường từ rất sớm.

Công nhận VN là kinh tế thị trường từ sớm

. Phóng viên: Năm 2012, Thụy Sĩ đã công nhận VN là nền kinh tế thị trường. Những tiêu chí mà Thụy Sĩ đề ra khi xem xét các quốc gia là “nền kinh tế thị trường” là như thế nào?

+ Nhà báo Thục Minh: Tháng 7-2012, Thụy Sĩ cùng ba thành viên khác của Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) gồm Iceland, và Na Uy là những quốc gia Tây Âu đầu tiên chính thức công nhận VN có nền kinh tế thị trường. Thụy Sĩ là nền kinh tế lớn nhất trong khối EFTA. Vì vậy, trong chừng mực nào đó, chúng ta có thể hiểu việc EFTA công nhận nền kinh tế thị trường VN có vai trò lớn của Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ là quốc gia trung lập và điều đó được tuyên bố rộng rãi trên thế giới. Tư cách trung lập đó đã cho phép Thụy Sĩ hành động một cách tự chủ và khác biệt trên nhiều phương diện, đặc biệt là đối ngoại. Ngay trong giai đoạn trước năm 1975 khi VN thống nhất đất nước, nguyên tắc “tư thế trung lập” cũng được thể hiện rõ trong quan hệ giữa Thụy Sĩ với VN thời bấy giờ.

Các doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng là những người tiên phong đầu tư vào VN ngay khi chúng ta “Đổi mới”. Dữ liệu Bộ Kế hoạch – Đầu tư VN cho thấy đầu thập niên 1990, một loạt tập đoàn lớn của Thụy Sĩ đã đến VN xin giấy phép đầu tư. Điển hình như như tập đoàn Triumph nhận giấy phép đầu tư ngày 1-10-1992; tập đoàn báo chí và xuất bản Ringier được cấp phép cùng đối tác trong nước ra tờ Thời báo Kinh tế VN tháng 11-1992; tập đoàn sản xuất hóa chất và vật liệu xây dựng Sika nhận giấy phép đầu tư tháng 12-1993; tập đoàn chế tạo thiết bị chính xác ABB vào VN tháng 1-1994; Công ty Xi măng Hà Tiên của Holder Bank Financier Glaris thành lập tháng 2-1994; tập đoàn sản xuất thực phẩm é vào VN tháng 1-1995… Đến nay, có khoảng 140 công ty Thụy Sĩ đầu tư tại VN.

Chủ tịch và Phó Chủ tich Hạ viện Thụy Sĩ, Martin Candinas và Eric Nussbaumer (thứ 2 và 3 từ phải sang), thăm nhà máy VinFast, nơi sử dụng nhiều thiết bị do các tập đoàn Thụy Sĩ như Bühler, ABB… chế tạo hồi tháng 6-2023. Ảnh: Hạ viện Thụy Sĩ

Sản phẩm các tập đoàn sản xuất lớn của Thụy Sĩ đều có mặt ở VN, trong đó nhiều tập đoàn có nhà máy sản xuất tại nước ta. Hoạt động kinh doanh của họ nhìn chung là rất thành công. Nestlé là tập đoàn đầu tư nhiều nhất với vốn cộng dồn đến nay là 830 triệu USD. Tập đoàn ABB cũng từng chia sẻ với tôi rằng nhà máy của họ ở Bắc Ninh sản xuất ra những sản phẩm chất lượng rất tốt, xuất khẩu đến nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, nhờ nguồn cung ứng nguyên vật liệu và nhân lực chất lượng cao tại chỗ…

Nói tóm lại, doanh nghiệp Thụy Sĩ đã tiên phong đến VN vào thời điểm môi trường kinh doanh, đầu tư của chúng ta còn rất nhiều hạn chế, nhưng họ đã thành công. Vậy nên, việc họ công nhận VN là nền kinh tế thị trường từ rất sớm, theo tôi, cũng là điều dễ hiểu.

Cần hoàn thiện hơn một số vấn đề

. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài nhận xét như thế nào về thị trường VN, đặc biệt là tính cởi mở, tự do, điều kiện trong đầu tư, kinh doanh?

+ Tất cả các nhà đầu tư hay doanh nghiệp thương mại trên thế giới nói chung và Thụy Sĩ hay châu Âu nói riêng đều nhìn thấy ở VN một thị trường đầy hấp dẫn với dân số khá lớn, mức chi tiêu ngày càng cao, bên cạnh các yếu tố thuận lợi cho hoạt động sản xuất như lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công cạnh tranh, vị trí địa lý tốt cho việc lưu thông hàng hóa, gần nguồn cung ứng nguyên vật liệu và cũng gần các thị trường lớn khác.

Bà Nguyễn Thị Thục (nhà báo Thục Minh), Chủ tịch tổ chức Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam -Thụy Sĩ (SVBG)

VN đồng thời cũng là thị trường cởi mở, không có những rào cản văn hóa, tôn giáo hay địa chính trị phức tạp; chính phủ và các địa phương đều có chủ trương trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư. Mặc dù vậy, một vài vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải được khắc phục sớm dù chúng ta đã nhắc nhiều lần.

. Xin bà có thể đề cập đến một vài hạn chế mà VN cần sớm khắc phục?

+ Tôi lấy ví dụ từ góc nhìn khi làm việc kết nối giữa Thụy Sĩ và VN. Tôi có chút tiếc nuối ở chỗ: Thụy Sĩ là một trung tâm tài chính nổi tiếng của thế giới với các hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư tài chính vô cùng sôi động. Theo số liệu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB), tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Thụy Sĩ ra nước ngoài trong những năm trước Covid-19 đạt gần 1.500 tỉ CHF (khoảng hơn 1.650 tỉ USD), trong đó khoảng 40% là đầu tư tài chính.

Tuy nhiên, bạn gần như không nhìn thấy sự hiện diện của ngân hàng hay công ty bảo hiểm của Thụy Sĩ tại VN. Chỉ có vài quỹ đầu tư tương đối nhỏ. Tổng vốn FDI từ Thụy Sĩ vào VN trong những năm qua chỉ loanh quanh con số 2 tỉ USD, trong đó phần chủ yếu là sản xuất (trên 90%), còn lại thương mại và dịch vụ, trong khi không có đầu tư tài chính, hoặc nếu có thì là đi gián tiếp qua con đường Singapore và Hồng Kông mà chúng ta không có thống kê.

Hiện nay, theo tôi đánh giá, chúng ta không mong đợi nhiều đầu tư từ Thụy Sĩ trong mảng sản xuất, chế tạo nữa vì các tập đoàn sản xuất lớn của Thụy Sĩ đều đã có nhà máy ở VN hoặc ở các nước lân cận ta. Riêng hai mảng tài chính và y dược thì tôi cho là còn nhiều tiềm năng. Tôi tin là chính phủ và các bộ ngành phụ trách mảng kinh tế và đầu tư của chúng ta biết cần phải làm gì. Vấn đề là chúng ta có dám và quyết tâm làm hay không mà thôi.

. Xin cám ơn bà.

ĐỖ THIỆN – ĐỨC HIỀN – THẢO VY