Nga đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong nền chính trị và kinh tế thế giới

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống ên bang Nga Vladimir Putin tới Việt Nam trong hai ngày 19 và 20/6, Phó Giáo sư Tsvetov Piotr Yurievich thuộc Học viện Ngoại giao Liên bang Nga, đồng thời là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga-Việt đã trả lời phỏng vấn báo chí về mối quan hệ hiện nay giữa hai nước, cũng như các biện pháp để thúc đẩy hợp tác song phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Sochi (Liên bang Nga) năm 2018. Ảnh: TTXVN.

PV: Xin chào Phó Giáo sư Tsvetov Piotr Yurievich. Ông nhận định thế nào về tầm quan trọng và ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Liên bang Nga Putin đối với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga?

Phó Giáo sư Tsvetov Piotr Yurievich:

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Vladimir Putin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đầu tiên là vì nó diễn ra 7 năm sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin vào năm 2017. Khi đó, Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, một phần của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Đà Nẵng. Trong những năm qua, chính trị ế giới đã có nhiều thay đổi; ngày nay tình hình thế giới đã hoàn toàn khác, một cán cân quyền lực mới đang dần xuất hiện.

Điều thứ hai, chuyến thăm này có tầm quan trọng đặc biệt do là chuyến thăm cấp Nhà nước, tức là mức độ cao nhất trong các hình thức thăm viếng giữa các quốc gia. Đáng chú ý hơn, chuyến thăm diễn ra chỉ 40 ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin chính thức bước vào nhiệm kỳ mới. Điều này cho thấy rằng Tổng thống Vladimir Putin nói riêng và Chính phủ Liên bang Nga nói chung coi trọng Việt Nam, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong nền chính trị và kinh tế thế giới.

Ngoài ra, trong toàn bộ thời kỳ ông Vladimir Putin làm Tổng thống, Liên bang Nga đã đưa ra và thực hiện chính sách hướng Đông. Sự phát triển của Liên bang Nga phần lớn phụ thuộc vào mối quan hệ với các nước trong khu vực châu Á. Vì vậy, không phải chỉ tình hữu nghị của những người bạn cũ đã thu hút Tổng thống Vladimir Putin đến thăm Việt Nam mà còn là vì lợi ích cao hơn về phát triển chiến lược chính trị của Liên bang Nga.

Phó Giáo sư Tsvetov Piotr Yurievich. Ảnh: NVCC.

PV: Vậy theo ông, chuyến thăm sẽ mở ra những cơ hội hợp tác như thế nào trong quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam?

Phó Giáo sư Tsvetov Piotr Yurievich:

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Vladimir Putin sẽ hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tất cả những cuộc gặp này rất quan trọng.

PV: Năm 2024 cũng đánh dấu 30 năm Việt Nam- Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, xin ông đánh giá những điểm nhấn trong quan hệ song phương thời gian qua?

Phó Giáo sư Tsvetov Piotr Yurievich:

Cách đây 30 năm, Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và Việt Nam đã được ký kết. Nó rất quan trọng vì thay thế hiệp ước trước đây xác định quan hệ giữa hai nước chúng ta - Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam ký ngày 3/11/1974. Hiệp ước năm 1994 cũng lưu ý rằng các bên sẽ nỗ lực cập nhật và cải thiện các hiệp định, hiệp ước đã ký kết trước đó.

Theo tôi, việc thông qua Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Putin vào năm 2001 đã thể hiện hoàn toàn truyền thống hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Liên bang Nga và Việt Nam. Ngày nay, quan hệ của hai nước chúng ta đã đạt đến mức độ Đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện mức độ tương tác cao nhất giữa hai quốc gia trong quan hệ quốc tế.

PV: Nhiều người cho rằng, văn hóa cũng tác động nhiều đến tình hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, ông nghĩ thế nào?

Phó Giáo sư Tsvetov Piotr Yurievich:

Quan hệ đối tác toàn diện có nghĩa là hai nước chúng ta hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, giáo dục... đến văn hóa. Văn hóa có tầm quan trọng không nhỏ, bởi vì những tư tưởng về chủ nghĩa nhân văn, công bằng và tôn trọng lao động của người dân thường là nền tảng của hầu hết các tác phẩm văn học và nghệ thuật của hai dân tộc chúng ta. Tôi rất vui khi thấy các hiệu sách ở Hà Nội bán tác phẩm của các nhà văn Nga được dịch sang tiếng Việt như: Chekhov, Dostoevsky, Nikolai Ostrovsky... Thật cảm động khi được nhìn thấy tượng đài của nhà thơ vĩ đại người Nga Pushkin tại một trong những công viên của Thủ đô Hà Nội. Nhiều sản phẩm văn hóa Việt Nam cũng được xuất bản tại Liên bang Nga như: Truyện cổ tích Việt Nam, Truyện Kiều hay Nhật ký bác sĩ Đặng Thùy Trâm…

Những Ngày Văn hóa Việt Nam trong những năm gần đây được tổ chức thường xuyên tại thủ đô Moscow và các thành phố khác của Liên bang Nga đã gây được tiếng vang lớn trong lòng khán giả Nga. Hội hữu nghị Nga-Việt và Hội hữu nghị Việt-Nga phối hợp tổ chức cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Tôi vẽ Việt Nam, tôi vẽ nước Nga” trong nhiều năm liên tiếp. Cuộc thi này là cơ sở văn hóa của tình hữu nghị giữa các thế hệ mới của nhân dân hai nước.

PV: Và cũng như bao người Nga khác, Phó Giáo sư có nhiều gắn bó với Việt Nam. Xin ông chia sẻ về tình cảm cá nhân đối với đất nước và con người Việt Nam?

Phó Giáo sư Tsvetov Piotr Yurievich:

Năm 2023 là tròn 55 năm kể từ khi tôi trở thành sinh viên của trường Đại học tổng hợp Quốc gia Moscow, bắt đầu học tiếng Việt và nghiên cứu lịch sử Việt Nam. 55 năm cuộc đời tôi gắn bó chặt chẽ với Việt Nam. Hàng ngày tôi đều nghĩ về Việt Nam. Tôi viết nhiều về Việt Nam. Ngày nào tôi cũng đọc báo, sách, tài liệu về đất nước các bạn. Tất cả quá trình làm việc của tôi đều được kết nối theo cách này hay cách khác với Việt Nam. Nếu tôi có kỷ niệm nào đẹp nhất thì chúng, tất nhiên cũng luôn gắn liền với Việt Nam.

Ngày nào tôi cũng uống cà phê và trà xanh Việt Nam. Tôi có nhiều bạn, người quen và bạn bè tại Việt Nam. Ngoài công việc giảng dạy tại Học viện Ngoại giao, tôi còn làm công tác xã hội. Tôi là Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội Hữu nghị Nga - Việt và với cương vị này, tôi có cơ hội tiếp xúc, làm việc với nhiều người Việt Nam, để tăng cường quan hệ giữa hai nước chúng ta.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Sông Thương – Minh Thư