Ngân hàng chữa bệnh 'thừa tiền', doanh nghiệp lớn vẫn than 'đói vốn'

Lúc không cần thì có, lúc cần thì khó

Là một doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín đối với mặt hàng lúa gạo, Tập đoàn Lộc Trời tham gia sâu vào các hoạt động từ nghiên cứu lai tạo giống mới, đến trồng trọt, thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo.

Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính của Lộc Trời, doanh nghiệp dự tính năm 2023 cần đến lượng vốn khoảng 8.000 tỷ đồng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Sang năm 2024, doanh nghiệp này có thể cần lượng vốn lưu động gần gấp đôi, lên tới 15.000 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp, nguồn tín dụng ngân hàng là lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên, ông Nhiên cho rằng cần thiết kế những gói vay phù hợp với đặc thù của từng ngành, thậm chí từng doanh nghiệp trong từng thời điểm.

Bởi theo ông, các gói vay cho doanh nghiệp lúa gạo hiện nay thường được các ngân hàng giới hạn chỉ có thời hạn 6 tháng. Ông Nhiên cho rằng, với một doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị như Lộc Trời, thời hạn vay 6 tháng là quá ngắn. Do đó, ông kiến nghị ngành ngân hàng có những gói tín dụng kéo dài từ 10-12 tháng.

“Vòng quay vốn trung bình của lúa gạo khoảng 6 tháng, riêng với Lộc Trời thì vòng quay này sẽ dài hơn bởi chúng tôi còn tham gia vào việc nghiên cứu giống lúa, do vậy vòng quay vốn tối thiểu phải là 10 tháng”, ông Nhiên nói.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng thừa nhận, nếu doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị thì cần vay vốn với thời hạn 12 tháng, vì doanh nghiệp đầu tư từ đầu vụ đến cuối vụ rồi lại gối tiếp vụ sau.

Với Trung An, do vòng quay vốn ngắn nên ông cho biết, vay vốn kỳ hạn 6 tháng là phù hợp. Thậm chí dù ký hợp đồng 6 tháng nhưng doanh nghiệp này toàn trả nợ ngân hàng trước hạn vì sau khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo là tiền về trước khi đến hạn trả nợ cho nhà băng.

Ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ), cho rằng, lúa gạo có tính chất mùa vụ, nên các ngân hàng cần linh hoạt trong hạn mức tín dụng.

“Thời điểm nông dân thu hoạch thì nhu cầu mua lúa gạo lớn nên chính sách tín dụng cần có hạn mức đầy đủ và linh hoạt ở những thời điểm như vậy”, ông Nhựt bày tỏ.

Ngoài ra, theo ông Nhựt, đối với ngành hàng lúa gạo, năm nay có đặc điểm giá tăng cao, khoảng 20 - 40% so với năm ngoái, nhu cầu vốn để thu mua cũng tăng theo, cho nên, ngân hàng cũng cần xem xét, tạo thuận lợi.

Ông Nhật lấy ví dụ, mua 10.000 tấn gạo trước đây cần 100 tỷ đồng vốn, nhưng bây giờ giá gạo tăng 40% cần đến 140 tỷ đồng.

Phó Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng.

Không chỉ các doanh nghiệp lúa gạo, doanh nghiệp thủy sản cũng cho rằng ngân hàng cần linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp.

Ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) cho biết, tôm quảng canh chính vụ của Cà Mau được thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6. Doanh nghiệp cần tiền vào thời điểm này để mua sản phẩm cho người nông dân. Doanh nghiệp mua tôm cũng theo mùa vụ, nhưng hạn mức ngân hàng chỉ cho vay 100 tỷ đồng.

Điều này dẫn đến doanh nghiệp “đứt vốn”, không thể tiếp tục thua mua, nông dân phải bán qua thương lái, qua nhiều trung gian khác nhau nên không có giá tốt.

Đến khi doanh nghiệp vay được vốn thì phải quay lại mua tôm với giá cao vì trái vụ, còn nông dân không bán được cho doanh nghiệp thì thường xuyên dẫn đến tình trạng giá tôm chính vụ “rẻ như khoai lang”.

“Ngân hàng cần tránh trường hợp khi doanh nghiệp cần tiền mua hàng thì không vay được, lúc không cần thì lại dồi dào”, ông Hiển nói.

Ngân hàng muốn doanh nghiệp phải minh bạch

Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều cho hay, việc giải ngân khó khăn vì nhiều lý do, nhất là với các doanh nghiệp ngành lúa gạo, thủy sản.

Thứ nhất, đặc thù thu mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân không có hóa đơn chứng từ gây khó khăn cho các tổ chức tính dụng trong việc thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước trong giải ngân cho vay bằng tiền mặt và kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.

Bên cạnh đó, phần lớn tài sản bảo đảm trong cho vay nông nghiệp nông thôn là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy hải sản,... có giá trị thấp, tính thanh khoản không cao.

Thứ ba, đối với tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, khoản phải thu khó quản lý và dễ dẫn đến tình trạng trùng lắp giữa nhiều ngân hàng (một tài sản đảm bảo có thể được sử dụng để thế chấp tại nhiều ngân hàng).

Đại diện ngân hàng thương mại, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV chia sẻ, ngân hàng mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp song ngược lại cũng mong các doanh nghiệp doanh nghiệp minh bạch để tạo niềm tin với ngân hàng.

Hiện, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không hoạt động ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Trong khi đó, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng ngoài sự nỗ lực của ngân hàng, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền…

Tuân Nguyễn