Thành phố Biên Hòa: Phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại

Ảnh trên: “Siêu công viên nước” The Amazing Bay của Khu du lịch Sơn Tiên (phường An Hòa, thành phố Biên Hòa) thu hút lượng lớn du khách vào dịp hè. Ảnh: S.T

Thành phố tập trung triển khai phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, phát triển dịch vụ logistics và hạ tầng kinh doanh dịch vụ logistics, phát triển dịch vụ du lịch và đa dạng hóa các loại hình du lịch, phát triển thương mại điện tử, chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương…

Cần chú trọng phát triển hạ tầng thương mại

Theo UBND thành phố Biên Hòa, trên địa bàn thành phố hiện có 30 chợ, 5 trung tâm thương mại, 9 siêu thị, 151 cửa hàng tiện ích theo chuỗi đang hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 của thành phố đạt hơn 139,5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

Định hướng đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển thêm 2 trung tâm thương mại gồm: trung tâm thương mại quốc tế Aeon Mall (phường Hiệp Hòa) và trung tâm thương mại Quyết Thắng (phường Quyết Thắng). Ngoài ra, thành phố còn định hướng đầu tư và vận hành 1 khu trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại và 1 trung tâm hội chợ triển lãm và khu hỗn hợp đa chức năng cao tầng…

Thành phố Biên Hòa hiện có các khu du lịch như: Bửu Long, Sơn Tiên, Vườn Xoài… Các khu trung tâm logistics trên địa bàn thành phố gồm: khu vực cảng Đồng Nai (phường Long Bình Tân), kho ngoại quan và dịch vụ logistics tại phường Tân Vạn, ngoài ra còn có khu vực Tân cảng ICD (phường Long Bình), tổng kho An Bình thuộc quản lý của các đơn vị quốc phòng…

Tại buổi giám sát chuyên đề vào tháng 5-2024 của HĐND tỉnh về kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước chia sẻ, địa phương cần có kế hoạch triển khai cụ thể về hạ tầng thương mại, hạ tầng dịch vụ logistics đến phát huy những thế mạnh, tiềm năng của thành phố Biên Hòa, hướng tới phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ hiện đại, văn minh, bền vững. Bên cạnh đó, thành phố cần phát triển các kênh thương mại, bán lẻ, hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, quảng bá hình ảnh, bán hàng trên sàn thương mại điện tử của địa phương.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Ngọc Kim Mai cho rằng, để cụ thể hóa các mục tiêu về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, thành phố cần chú trọng đến quy hoạch, phát triển hạ tầng, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, thành phố cần phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng tiêu chí để quản lý, vận hành các chợ truyền thống hiệu quả hơn, chú trọng phát triển các chợ văn hóa, văn minh, hiện đại…

Đẩy nhanh các dự án kết nối giao thông

Theo UBND thành phố Biên Hòa, thành phố vẫn còn một số khó khăn về hoạt động các chợ, kêu gọi thu hút đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị; tình trạng bán hàng rong, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn chưa được xử lý triệt để; nguồn lực phát triển du lịch của địa phương còn thiếu... Thành phố kiến nghị đẩy nhanh việc triển khai kết nối các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực thương mại, dịch vụ của địa phương.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên kiến nghị, về giao thông phục vụ logistics, tuyến đường Bùi Văn Hòa đã được thành phố đề xuất chủ trương đầu tư hơn 4 ngàn tỷ đồng. Khi tuyến đường này hoàn thành sớm sẽ kết nối được với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các dự án trọng điểm khác. Do đó, thành phố kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ địa phương tập trung nguồn vốn để thực hiện tuyến đường này.

Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Khôi Nguyên, thành phố hiện chưa phát triển “hệ sinh thái” du lịch, trong đó địa phương mới chỉ xây dựng dự án du lịch ven sông, đề xuất tuyến hướng du lịch nhưng chưa đánh giá được hiệu quả phát triển. Vì vậy, thành phố kiến nghị tỉnh cần “khơi thông”, phát triển du lịch bằng những cơ chế thoáng hơn. Bởi, tuy đặt mục tiêu du lịch là ngành phát triển mũi nhọn của địa phương nhưng đối với các cơ chế phát triển về du lịch, phát triển kinh tế đêm vẫn còn nhiều khó khăn.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đề nghị, thành phố Biên Hòa cần tiếp thu ý kiến của các thành viên trong đoàn giám sát để rà soát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh, đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả, thực chất việc phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại trên địa bàn.

Thành phố Biên Hòa cần tập trung các nhiệm vụ quan trọng để phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ tổng hợp, hiện đại để phát huy những lợi thế, thế mạnh của thành phố, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Trong đó, cần chú trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển về thương mại, dịch vụ, logistics, du lịch… trên địa bàn.

Hoàng Hải