Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng

Bộ trưởng Trần Văn Sơn chủ trị phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 30/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát theo Nghị quyết của Quốc hội.

GDP thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, trong 9 tháng, lạm phát nhìn chung có xu hướng giảm dần trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao, trong đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%).

Cùng với đó, tăng trưởng phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước: GDP quý 1 tăng 3,32%, quý 2 tăng 4,14% và quý 3 tăng 5,33%. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Cụ thể, khu vực nông nghiệp tăng 3,43%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%. Xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất khẩu tháng 9 tăng 4,6%, nhập khẩu tăng 2,6% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, cả nước xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ là 6,9 tỷ USD). An ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), an ninh lương thực được bảo đảm.

Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi, phát triển ổn định, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 3 tăng 4,57% (quý 2 tăng 0,95%, quý 1 giảm 0,75%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61%.

Các bộ, ngành thông tin với báo chí về tình hình kinh tế-xã hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng khá cao: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 2,4% so với tháng 8 và 7,5% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng tăng 9,7%. Khách quốc tế đạt 8,9 triệu lượt, gấp 4,6 lần cùng kỳ (vượt kế hoạch năm 2023).

“Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý 1 tăng 3,6%; quý 2 tăng 5,6%; quý 3 tăng 7,6%; tính chung 9 tháng tăng 5,9%,” Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay.

Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt trên 363 nghìn tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (46,7%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.

Đã đưa vào sử dụng 8/11 đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1; khởi công 12 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, 3 cao tốc trục Đông-Tây, các tuyến đường Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 HN, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất… Dự kiến đến cuối năm đưa vào khai thác 1.832 km đường cao tốc.

Cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song đánh giá của lãnh đạo cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP chưa được như mong muốn. Lạm phát còn chịu nhiều sức ép. Các động lực tăng trưởng gặp khó khăn, như công nghiệp phục hồi chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng chỉ tăng 1,65%.

Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, nắng nóng El Nino, hạn hán, sạt lở đất… diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa các chính sách, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Kim ngạch thương mại của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong 9 tháng năm 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương chú trọng tận dụng thời cơ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng (như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…).

“Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ; tập trung xử lý kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, đề xuất của địa phương, người dân, doanh nghiệp với tinh thần cầu thị, lắng nghe,” Thủ tướng nhấn mạnh./.

Đức Duy (Vietnam+)