Truyền thông Australia: Những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo bài viết, trong khi nhiều công ty thương mại chống chọi với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nhân Jewel Nguyễn ở TP Hồ Chí Minh lại đang gấp rút đáp ứng nhiều đơn đặt hàng. Trong năm qua, công ty Viego Global do Jewel sáng lập và điều hành đã đàm phán với hàng trăm nhà phân phối, đại lý và môi giới để cung cấp các sản phẩm như cà phê, dừa, dệt may và dược phẩm. Cô đã nhận được các yêu cầu từ nhiều thị trường như Mỹ, Saudi Arabia, Iran, Hàn Quốc và khu vực Caribe - một kết quả không hề tồi đối với một công ty khởi nghiệp. Cô Jewel cho biết tất cả các khách hàng của công ty đều là khách mới mà công ty chưa hề quen biết. Thành công trong việc thu hút khách hàng này một phần là do công ty đã tận dụng được phương thức tiếp thị trực tuyến.

Thành công nhanh chóng về mặt thương mại của Viego Global phản ánh niềm tin kinh doanh tại Việt Nam. Theo cô Jewel, Việt Nam đã làm tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trong đại dịch. Trong bảng xếp hạng gần 100 nước trong việc ứng phó với đại dịch, Viện Lowy, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thành phố Sydney, đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ hai, chỉ sau New Zealand. Cô Jewel cho biết những kết quả tích cực nói trên cũng đang khuyến khích một làn sóng mới những người Việt Nam có bằng cấp, các chuyên gia và nhiều Việt kiều khác trở về nước làm việc, đóng góp cho đất nước.

Với việc các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và logistics nói riêng đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6 - 6,5% trong năm 2021.

Tuy tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng do đợt dịch bệnh đang bùng phát, nhưng Giám đốc điều hành KPMG tại Việt Nam, ông Warrick Cleine cho rằng dự báo của WB là có cơ sở, dựa trên 4 lý do. Thứ nhất, trong cả năm 2020 và đầu năm 2021, Việt Nam đã kiểm soát đại dịch tốt hơn hầu hết các quốc gia khác. Thứ hai, Việt Nam đang hưởng lợi từ hơn 2 thập kỷ với tư cách là một “người chơi nghiêm túc” trong thương mại và sản xuất toàn cầu; Thứ ba, Việt Nam ít phụ thuộc vào du lịch hơn các nước láng giềng. Thứ tư, dân số trẻ của Việt Nam đang giúp thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển mạnh mẽ trước ảnh hưởng của sự suy thoái toàn cầu.

Ông Cleine nhận xét: “Mọi người đều trẻ và kiếm được việc làm trong một lực lượng lao động cực kỳ hiệu quả”. Một yếu tố khác có lợi cho Việt Nam là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giúp Việt Nam thu hút một làn sóng mới các công ty nước ngoài.

Ông Michael Kokalari, nhà kinh tế trưởng của công ty đầu tư VinaCapital, cho rằng năng lực sản xuất của Việt Nam cũng không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa trước mắt nào từ các nước láng giềng Đông Nam Á. Chẳng hạn, tiền lương ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với ở Thái Lan. Trong khi đó, các “nút thắt cổ chai” trong khu vực hậu cần là một vấn đề lớn ở Indonesia; chi phí cao và lực lượng lao động già đi là những thách thức mà Malaysia đang phải đối mặt. Việt Nam cũng có thể tiếp tục thu hút lao động giá rẻ từ khu vực nông nghiệp, hiện vẫn chiếm khoảng 45% lực lượng lao động.

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, thu nhập ngày càng tăng trở thành yếu tố giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade) đã chỉ ra nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Australia trong các lĩnh vực đa dạng như năng lượng, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và đồ uống cao cấp.

Ông Shannon Leahy, quan chức thương mại Austrade tại Hà Nội, đánh giá thị trường tiêu dùng của Việt Nam là một điểm sáng cho các nhà đầu tư, nhất là khi quốc gia này là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trong khu vực. Đại dịch cũng đã mở ra cơ hội cho các công ty công nghệ số và công nghệ y tế của Australia. Thêm vào đó, các ngân hàng Việt Nam đang chào đón những công ty công nghệ tài chính (fintech) mới nổi, trong khi trong lĩnh vực y tế, mạng lưới các bệnh viện tư nhân trên toàn quốc đang có bước nhảy vọt về công nghệ, chuyển đổi công tác quản lý dữ liệu từ hồ sơ giấy tờ sang thẳng “điện toán đám mây”.

Ông Leahy cho biết thêm trong khi ngành du lịch của Việt Nam bị ảnh hưởng từ đại dịch, thị trường tiêu dùng ở Việt Nam vẫn mạnh mẽ, tạo cơ hội cho ngành nông sản của Australia, ở hầu hết các phân khúc thực phẩm cao cấp như thịt, sữa, các loại hạt và thủy sản.

Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành nhiều luật và quy định để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Theo ông Cleine, điều này có nghĩa là, không chỉ trong các lĩnh vực như phát triển bất động sản và dịch vụ tài chính, “bất cứ điều gì liên quan đến người tiêu dùng Việt Nam” đều là cơ hội đầu tư.

Với thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, ông Cleine tin rằng đầu tư vào các khu công nghiệp và hậu cần sẽ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư doanh nghiệp và cổ phần tư nhân, vì đây là hai lĩnh vực tăng trưởng “nóng” và đều không giảm giá trị trong giai đoạn khủng hoảng COVID-19.

Chứng minh cho niềm tin của mình vào việc Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, ông Kokalari nêu ra các dẫn chứng từ các phân tích nhân khẩu học và đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc. Với lập luận cho rằng người lao động làm việc năng suất nhất trong độ tuổi từ 45 đến 50, ông Kokalari đánh giá, Nhật Bản đạt tới “điểm ngọt” về dân số có năng suất lao động cao trong giai đoạn 1990-1991. Sau đó, số lượng người lao động trong độ tuổi lao động năng suất cao này giảm nhanh chóng. Ở Hàn Quốc, đỉnh điểm này xảy ra vào khoảng năm 2015.

Trước tình hình tăng trưởng thấp hơn và tình trạng thiếu lao động sản xuất, hai cường quốc châu Á này đã đổ vốn đầu tư trực tiếp vào các nhà máy sản xuất của Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mới. Đặc biệt, hai quốc gia này có nhu cầu cơ cấu đầu tư ra bên ngoài vào những nơi như Việt Nam và nhu cầu này sẽ không biến mất trong nhiều năm tới.

Nguyễn Minh (TTXVN)