Thúc đẩy các mô hình báo chí sáng tạo gắn với ứng dụng công nghệ số

“Bước ngoặt” mang tính cách mạng

Báo chí luôn gắn liền với đổi mới sáng tạo.

Thời của báo in, tính đổi mới sáng tạo thể hiện ở cách kể chuyện, cách hành văn hấp dẫn, chẳng hạn phóng sự được thể hiện như một tác phẩm văn học, tạo trải nghiệm rất thú vị cho độc giả.

Đến thời của báo điện tử, không gian sáng tạo mở rộng hơn nhiều: Từ đồ họa thông tin (infographic) tới báo chí đa phương tiện (e-magazine), báo chí dữ liệu…

Và mới đây, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) đã trở thành một “bước ngoặt” mang tính cách mạng đối với báo chí.

Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) đã trở thành một “bước ngoặt” mang tính cách mạng đối với báo chí.

AI giúp phóng viên có máy làm thay nhiều công đoạn trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí, thậm chí viết thay phóng viên, biên tập video, thiết kế đồ họa…

AI giúp các tòa soạn hiểu được người đọc/người nghe/người xem đang cần gì và đưa đúng thông tin họ quan tâm - những thông tin có giá trị đối với từng cá nhân trong bối cảnh cụ thể (điều không thể có trước đây, khi người đọc phải “bơi” trong một “biển” thông tin).

AI giúp không gian trải nghiệm tin tức được mở rộng như ngoài đời thực với công nghệ thực tế ảo sống động. Xu hướng video ngắn tích hợp trên báo điện tử cùng với sự kết nối đa nền tảng tạo nên sự tương tác mạnh mẽ với người dùng.

Bên cạnh “bước ngoặt” AI, công nghệ blockchain sẽ giảm thiểu những vụ vi phạm bản quyền nội dung số, giúp chống lại tin giả bằng cách cung cấp một chuỗi xác thực có thể kiểm chứng cho thông tin, tạo môi trường nội dung số minh bạch để thúc đẩy sáng tạo.

Sự kết hợp giữa báo chí sáng tạo với công nghệ số đưa đến cho người dùng những trải nghiệm mới rất tuyệt vời.

Người dùng có thể tham gia phát triển câu chuyện, lựa chọn những gì mà mình muốn thấy. Chẳng hạn, khi xảy ra một vụ trộm cắp trong khu vực, người dân có thể sử dụng nền tảng tích hợp trên báo để thông báo cho hàng xóm, chia sẻ thông tin về nghi phạm, và thảo luận về các biện pháp bảo vệ an ninh cộng đồng. Hay một lễ hội cộng đồng sắp diễn ra, báo chí sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thời gian, địa điểm và các hoạt động sẽ diễn ra, kèm theo phản hồi và nhận xét từ người dân địa phương.

Ở Mỹ, nhiều tờ báo tích hợp mạng xã hội địa phương giúp kết nối người dân với các tin tức và sự kiện trong khu vực, thậm chí người dân còn tham gia viết bài và cập nhật thông tin.

Một mô hình đáng chú ý khác, báo chí tổ chức các buổi thảo luận trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội về các chủ đề “nóng” như bầu cử, biến đổi khí hậu, quyền phụ nữ… Những sự kiện này thường có sự tham gia của các chuyên gia và cho phép khán giả đặt câu hỏi trực tiếp. Những buổi diễn thuyết về giáo dục và sáng tạo của TED Conferences đã thu hút hàng triệu lượt xem trực tuyến, tạo ra thảo luận rộng rãi về cải cách giáo dục trên toàn ế giới.

Nhiều tờ báo còn tận dụng sức mạnh của khán giả để thu thập thông tin, xác minh sự thật và khám phá các góc nhìn mới. Các nền tảng như Ushahidi cho phép người dùng báo cáo và lập bản đồ sự cố theo thời gian thực, rất cần thiết khi xảy ra các cuộc khủng hoảng hoặc sự kiện quy mô lớn.

Có tờ báo lại sử dụng cảm biến để thu thập dữ liệu về môi trường như chất lượng không khí, nhiệt độ, mức độ ô nhiễm nước, từ đó cung cấp bằng chứng xác thực cho các câu chuyện về sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu và quy hoạch đô thị. Hoặc kết hợp dữ liệu được gắn thẻ địa lý để cung cấp ngữ cảnh và thông tin chi tiết theo vị trí. Các công cụ lập bản đồ giúp hình dung dữ liệu theo không gian địa lý, tăng cường trải nghiệm người dùng.

Báo chí Việt Nam chuyển mình, bứt tốc

Về việc ứng dụng AI để tăng hiệu quả đổi mới sáng tạo số, các cơ quan báo chí tại Việt Nam đã tìm hiểu và ứng dụng ở nhiều mức độ khác nhau.

Ở mức cơ bản, AI giúp phóng viên/biên tập viên xây dựng kịch bản, xây dựng tác phẩm báo chí có tính sáng tạo cao, thậm chí gợi ý cả đề tài. Tiếp đó, AI giúp thông tin báo chí đáp ứng tốt hơn nhu cầu cá thể hóa của người đọc/người nghe/người xem, tăng tính hấp dẫn, thu hút công chúng.

Ở mức cao hơn, AI giúp các tòa soạn khai thác, sử dụng dữ liệu lớn để đo lường các chỉ số, từ đó điều chỉnh nội dung phù hợp nhu cầu của công chúng. Chẳng hạn trước kia, báo chí hay dùng công nghệ đo của Analytics, nhưng mới đây, VnExpress sử dụng công nghệ đo của Tập đoàn FPT, một công cụ đo rất thông minh, thậm chí có những điểm còn ưu việt hơn Google Analytics.

Báo Thanh Niên là một điển hình của việc “thu trái ngọt” khi ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Sau khi quyết định đầu tư công nghệ, vài năm gần đây, báo này luôn ở Top đầu về lượng người đọc, độ lan tỏa bài viết trên các nền tảng số.

Thời báo Kinh tế sau khi chuyển từ mô hình báo sang tạp chí đã nhanh chóng triển khai cách làm báo rất mới. Từ ứng dụng công nghệ tăng tính sáng tạo khi kể các câu chuyện, đến ứng dụng công nghệ để triển khai các thể loại báo chí hiện đại như long-form, e-magazine, và cả ứng dụng công nghệ để tăng nguồn thu cho tòa soạn như vận hành chatbot kinh tế…, họ đều đã làm.

Không chỉ các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương, mà nhiều cơ quan báo chí địa phương ở những đô thị trung tâm có đông dân cư, giàu tiềm lực tài chính, cũng đã quan tâm đầu tư chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu quả đổi mới sáng tạo báo chí.

Ví dụ Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội, từng có giai đoạn “xuống đáy”, nhưng sau khi Tổng Biên tập mới về, có chiến lược đặc biệt về công nghệ số, đưa nội dung lên các nền tảng, thay đổi cách kể chuyện của đài truyền hình… hiện đang vào Top 10, thậm chí Top 5 của các đài truyền hình trong cả nước.

Hệ thống báo Đảng trước đây thuộc diện những tờ báo dạng bao cấp, giờ cũng có thay đổi lớn.

Báo Nhân Dân có thể nói là một trong những tờ báo hàng đầu Việt Nam về đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiện nay. Với phương châm “Ở đâu có nhân dân thì có Báo Nhân Dân”, các ấn phẩm của Báo Nhân Dân được đưa lên tất cả các nền tảng số, giao diện và cách kể chuyện trở nên gần gũi với đa dạng đối tượng công chúng.

Báo Nhân Dân đang mang lại rất nhiều trải nghiệm khác nhau cho công chúng: Có thể nghe podcast những câu chuyện rất hay; Có thể khám phá nhiều thông tin chuyên sâu qua các tác phẩm báo chí dữ liệu…

Sự đổi mới sáng tạo của Báo Nhân Dân còn thể hiện qua nhiều hoạt động khác như: Tổ chức sự kiện (mới đây, câu chuyện một tờ báo Đảng lần đầu tiên mời nhạc sĩ saxophone Kenny G sang Việt Nam biểu diễn tạo nguồn cảm hứng rất lớn cho cộng đồng); Bán các sản phẩm như túi, mũ, áo, cốc… có thương hiệu Báo Nhân Dân… Qua đó không chỉ đem lại nguồn thu mới mà còn quảng bá thương hiệu Báo Nhân Dân ra thế giới.

Thúc đẩy các mô hình sáng tạo để giữ vững “trận địa” thông tin

Để triển khai hiệu quả các mô hình báo chí sáng tạo gắn với ứng dụng công nghệ số, điều kiện tiên quyết là người đứng đầu của cơ quan báo chí phải quyết liệt đổi mới, trực tiếp chỉ đạo hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số của cơ quan mình, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng để cả tòa soạn cùng thấy cần phải thay đổi.

Tòa soạn cần phải có chiến lược ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo với những mục tiêu, sứ mệnh rõ ràng, kèm theo những kế hoạch cụ thể về những việc cần làm trong ngắn hạn, dài hạn.

Chuyển đổi số báo chí là một quá trình. Có thể chuyển đổi số một khâu rất nhỏ vẫn mang lại giá trị rất lớn cho tòa soạn.

Tuy nhiên, năm 2023, kết quả khảo sát về chỉ số chuyển đổi số báo chí do Cục Báo chí thực hiện cho thấy, tỷ lệ yếu kém vẫn còn cao. Một trong những nguyên nhân là khối các tạp chí chiếm khoảng 2/3 tổng số báo chí tham gia khảo sát, nhưng nhiều tạp chí còn chưa có ấn phẩm điện tử, hoặc có ấn phẩm điện tử nhưng không đầu tư nhiều, chỉ đăng tải bài viết đơn giản, không có trải nghiệm gì độc đáo. Với khối các báo, tỷ lệ yếu cũng đang ở mức trên 50%, tỷ lệ tốt rất nhỏ, chỉ hơn 10%.

Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí tâm tư: Muốn ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo số thì câu hỏi đầu tiên là tiền đâu. Kinh tế báo chí đang rất khó khăn.

Nhưng thực tế cho thấy, nếu có quyết tâm, có cách làm sáng tạo thì vẫn có thể huy động được nguồn lực cần thiết. Các cơ quan báo chí có thể hợp tác với các công ty công nghệ và các nguồn lực khác, công khai mục tiêu và minh bạch lợi ích của các bên tham gia.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang và sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy các cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo số.

Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí thuộc Cục Báo chí thường xuyên triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng để cập nhật kiến thức về công nghệ mới, cách làm báo mới, xu hướng báo chí mới cho các cơ quan báo chí; Tư vấn cụ thể về việc lựa chọn công nghệ cho báo chí và tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm công nghệ phù hợp (sẵn sàng làm “cầu nối” giữa các cơ quan báo chí với công ty công nghệ trong nước và cả công ty công nghệ ở nước ngoài)…

Các cơ quan báo chí phải hướng đến mục tiêu giành lại thị phần người đọc/người xem/người nghe, giữ được “trận địa” thông tin. Để có thể kéo công chúng về với báo chí chính thống, giúp họ tiếp cận những nguồn tin được kiểm chứng, có giá trị và ý nghĩa nhân văn, thay vì tiếp cận thông tin sai lệch, xấu độc trên các kênh truyền thông khác, các cơ quan báo chí không có cách nào hiệu quả, khả thi hơn là đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số.

Lưu Đình Phúc (Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ TT&TT)