Tránh tình trạng khi dự án triển khai gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quy định rõ trách nhiệm trong việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

Điều 9 dự thảo Luật hiện quy định về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác. Cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) đề nghị, bổ sung vào khoản 1 điều này nội dung “quyền được cho ý kiến có được triển khai hoặc không được triển khai dự án khai thác khoáng sản tại địa bàn” để tránh tình trạng khi dự án triển khai thực hiện sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân; dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, bổ sung quyền “được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm” vì việc thu hồi đất để thực hiện khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp, việc làm của những hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Việc quy định như vậy cũng bảo đảm phù hợp và thống nhất với điểm d khoản 1 Điều 108 Luật Đất đai năm 2024 về hỗ trợ người dân khi thu hồi đất.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan tâm vấn đề này, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu rõ, khoản 2 Điều 9 quy định về trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác. Chẳng hạn như trách nhiệm trong việc tham gia giám sát hoạt động khoáng sản; phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nếu phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm...

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ về trách nhiệm trong xử lý các ý kiến của người dân. Đây là nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ trách nhiệm của các tổ chức có liên quan trong việc lấy ý kiến và giải quyết các ý kiến của người dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, nhất là tại những nơi bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, đặc biệt là trong việc bảo đảm sản xuất, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

Quy định cụ thể về thời hạn tối đa khi cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản

Về thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép thăm dò khoáng sản tại Điều 55, ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) đề nghị bổ sung vào khoản 1 điều này trường hợp bị thu hồi đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng theo nội dung đã được ghi rõ trong giấy phép để có căn cứ thực hiện trong thực tiễn.

Về giấy phép khai thác khoáng sản tại Điều 59, điểm b Khoản 2 quy định về “loại khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm (nếu có)”. Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đây là một trong những nội dung quan trọng để cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác thực hiện việc kê khai, xác định các nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể như: thuế tài nguyên; phí, lệ phí; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do đó, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn đối với nội dung loại khoáng sản được cấp giấy phép này theo phân nhóm khoáng sản quy định tại Điều 7. Đồng thời, có thể phân loại theo tên, mã nhóm loại tài nguyên khoáng sản (nếu có) hoặc có chú thích trong trường hợp xác định loại khoáng sản cấp phép thuộc loại tài nguyên mới chưa xác định được mã nhóm, loại để các cơ quan chức năng chủ động hơn trong việc bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên, bảo đảm quản lý và kiểm soát chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản.

Theo đó, có thể điều chỉnh điểm b khoản 2 Điều 59 theo hướng “loại khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm theo phân loại nhóm khoáng sản quy định tại Điều 7 của luật này; đồng thời, thể hiện mã nhóm loại tài nguyên khoáng sản theo quy định”.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng chỉ rõ, điểm b khoản 4 quy định “Trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn (kể cả thời gian gia hạn) theo quy định mà khu vực được phép khai thác còn trữ lượng, thời hạn khai thác được xác định khi cấp lại giấy phép khai thác theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của luật này”.

Tuy nhiên, đối chiếu với khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhận thấy chưa có quy định về thời hạn khai thác. Do đó, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thời hạn tối đa khi cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản.

Đối với các trường hợp thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản tại Điều 69, một số đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp bị thu hồi khi hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến an toàn công trình quốc phòng; giao thông; thủy lợi; thủy điện; đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải; công trình năng lượng dầu khí; công trình hạ tầng bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin để bảo đảm tính cấp thiết, phù hợp với thực tiễn.

Minh Trang