Triệu trái tim hướng về Điện Biên Phủ

Lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" tung bay trên nóc hầm De Castries ngày 7/5/1954

Hôm nay là tròn 70 năm từ ngày lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch, đánh dấu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng (ngày 7/5/1954). Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với quyết tâm cao độ, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra giai đoạn cách mạng mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa.

Để làm nên kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã một lòng, không phân biệt xuôi ngược, suốt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, với "quyết tâm còn cao hơn núi” vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên cường, dũng cảm lập nhiều chiến công, đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch.

Nhiều tấm gương tiêu biểu như: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can, Tạ Quốc Luật, Đặng Đình Hồ, Hoàng Khắc Dược và nhiều anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ khác đã làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Cùng với quân và dân cả nước, hơn 4.000 quân nhân Hải Dương trực tiếp góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, 402 người đã nằm lại, trở thành những anh hùng liệt sĩ. Hầu hết các liệt sĩ đều hy sinh năm 1954, tại các vị trí xảy ra những cuộc đụng độ quyết liệt giữa bộ đội ta và quân Pháp như đồi A1, sân bay Điện Biên, đồi Độc Lập, Hồng Cúm, Mường Thanh, đồi Xám Nấm...

Với khẩu hiệu “Không ngừng tiếng súng, không ngừng tiếng mìn trên đường 5 để phối hợp với Điện Biên Phủ”, quân và dân Hải Dương còn tổ chức nhiều trận đánh mìn, tạo nên những “tiếng sấm đường 5” góp phần tiêu hao lực lượng, vũ khí và phương tiện của địch, ngăn cản sự chi viện của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ”.

Tinh thần Điện Biên Phủ từ đó đã đi suốt khích lệ Đảng bộ và nhân dân Hải Dương trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng cuộc sống mới. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hải Dương là điển hình "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "tất cả vì miền Nam ruột thịt", "tất cả cho tiền tuyến". Trong hòa bình, thống nhất, nhất là thời kỳ đổi mới và hội nhập, Hải Dương luôn là tỉnh trong tốp khá, đi đầu về thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và đang xây dựng tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Những ngày này, Hải Dương có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tỉnh có hàng chục đoàn công tác về với mảnh đất Điện Biên anh hùng với các hoạt động dâng hương, dâng hoa, tặng quà tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã cống hiến xương máu, công sức để làm nên chiến công hiển hách của dân tộc.

Nhiều nơi trong tỉnh có các hoạt động thông tin, tuyên truyền về tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ; tri ân, tặng quà, thăm khám sức khỏe cho những người con quê hương Hải Dương trực tiếp tham gia chiến đấu và chiến thắng.

70 năm đi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là "một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử", niềm tự hào, nguồn cội sức mạnh để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến lên giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

HẢI DƯƠNG