Ukraine tập trận vây Crimea: Khi Buk-M1 đấu Buk-M2 và Buk-M3

Ukraine diễn tập gần Crimea với Buk-M1

Vừa qua, truyền thông Ukraine cho biết, lực lượng vũ trang nước này đang tổ chức các cuộc tập trận phòng không ở khu vực biên giới với Crimea.

"Là một phần trong quá trình huấn luyện chiến thuật của các đơn vị phòng không, tổ chức huấn luyện cho các kíp trắc thủ hệ thống tên lửa phòng không Buk để đẩy lùi cuộc không kích từ kẻ thù giả định" - theo nội dung thông báo trên Facebook.

Theo ghi nhận của Bộ Quốc phòng Ukraine, các hệ thống tên lửa Buk tiến hành tập trận với các khoa mục: Triển khai ở các vị trí không chuẩn bị trước, thực hiện việc tìm kiếm, xác định, nắm bắt và theo dõi các mục tiêu trên không và sau đó phóng đạn mô phỏng diệt mục tiêu.

Đoạn video được công bố cho thấy ít nhất ba hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk đã được huy động tham gia diễn tập.

Được biết, cuộc tập trận riêng của quân đội Ukraine và tập trận chung Sea Breeze 2021 trong khuôn khổ NATO diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga trên Biển Đen.

Liên tiếp trong hai ngày 23 và 24 tháng 6 vừa qua, các tàu chiến NATO đã thay phiên nhau xâm nhập vào khu vực mà Nga tuyên bố là chủ quyền lãnh hải của nước này ở vùng biển gần mũi Fiolent (cape-Fiolent), phía đông nam bán đảo Crimea trên Biển Đen.

Hậu quả là các tàu biên phòng Nga đã nổ súng cảnh cáo nhiều lần, còn máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 Nga đã thả 4 quả bom OFAB-250 dọc đường đi của tàu khu trục Anh HMS Defender để buộc con tàu này phải rời khỏi khu vực này.

Còn các chiến đấu cơ Su-34 và Su-30SM Nga đã bay liên tục nhiều giờ trên đầu tàu hộ tống HNLMS Evertsen của Hà Lan ở độ cao thấp và khoảng cách gần. Thậm chí chúng còn mang theo tên lửa chống hạm và tập mô phỏng các đòn đánh vào con tàu này, cùng với đó là hoạt động tác chiến điện tử khiến tất cả các hệ thống trên tàu bị ngừng hoạt động.

Các quan chức Nga cũng tuyên bố rằng họ sẽ hành động cứng rắn hơn nữa nếu các tình huống tương tự tái diễn, thậm chí có quan chức không loại trừ khả năng đánh chìm các tàu chiến NATO.

Hệ thống Buk-M1 của Ukraine có tính năng thua xa Buk-M2 chứ đừng nói đến Buk-M3 của Nga

Quân đội Nga đang triển khai Buk-M2 và Buk-M3

Được biết, các tổ hợp Buk của Ukraine thuộc phiên bản Buk-M1, là loại tên lửa có tầm phóng không xa, độ cao không lớn, được sản xuất dưới thời Liên Xô, trong khi Quân đội Nga đã chuyển sang sử dụng Buk-M2 từ lâu và sắp được trang bị rộng rãi phiên bản Buk-M3.

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, hệ thống tên lửa phòng không tối tân Buk-M3 của Nga đã hoàn thành đợt thử nghiệm trên biển ở Crimea. Trong cuộc diễn tập, lực lượng phòng không đã đẩy lùi một cuộc không kích quy mô lớn trên biển.

Báo Izvestia dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, theo chương trình diễn tập mang tên Buk-M3, loại tên lửa này được sử dụng để tấn công các mục tiêu mô phỏng máy bay không người lái bay trên không và tên lửa hành trình trên biển. Tất cả các mục tiêu đều được phát hiện và đánh chặn kịp thời. Hệ thống được công nhận hoàn thành mọi nhiệm vụ thử nghiệm.

Buk-M3 được thử nghiệm trên biển, bởi vì đó là điều kiện lý tưởng để kiểm tra khả năng chiến đấu và kỹ thuật tối ưu của hệ thống phòng không này.

Theo Tổng giám đốc Viện nghiên cứu Tikhomirov, nơi phát triển Buk-M3, hiện nay trên thế giới không có hệ thống phòng không cơ động tầm trung nào tương tự với nó. Các tên lửa dành cho chúng cũng đã được nâng cấp, một phiên bản mới 9M317M được phát triển riêng cho Buk-M3.

Tuy nhiên, ưu điểm chính của tổ hợp là tính tự động hóa rất cao. Điều đó cho phép một tiểu đoàn tên lửa Buk-M3 hiện đại hóa có thể bắn hạ đồng thời 36 mục tiêu, trong khi đó, các phiên bản trước đó chỉ có bốn tên lửa sẵn sàng phóng đạn đồng loạt.

Theo các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ với báo Izvestia, tại Quân khu miền Nam sẽ xuất hiện một lữ đoàn được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không hỗn hợp Buk-M2 và Buk-M3 tối tân. Lữ đoàn này sẽ được biên chế vào một trong những quân đoàn liên hợp đóng ở miền nam nước Nga.

Bình luận về hành động của Ukraine gần biên giới Nga ở Crimea, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Quốc tế về người Nga ở nước ngoài là ông Vadim Kolesnichenko cho biết, đây thuần túy là hành động “thu hút sự chú ý từ phương Tây”, chứ nó không hề mang lại tác động nào về mặt quân sự.

Nhật Nam