Việt Nam trao đổi ứng dụng công nghệ phục hồi chức năng của Liên bang Nga

Thông tin trên được PGS.TS Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam chia sẻ bên lề Tọa đàm phục hồi chức năng ên bang Nga - xu hướng phát triển mới và các thành tựu, do Tập đoàn Y tế Việt - Nga tổ chức chiều 20/6.

Người bệnh tập phục hồi chức năng tại cơ sở y tế

Theo đó, ở nước ta, cứ khoảng 7 người thì có 2 người mắc các bệnh/tật cần phục hồi chức năng, tương ứng với tỷ lệ 30.000/100.000 dân. Ước tính cả nước có trên 30 triệu người cần được phục hồi chức năng, trong đó tỷ lệ bệnh nhân nữ cao hơn so với nam, tập trung nhiều hơn ở độ tuổi 50 - 59 và nhiều nhất thuộc với nhóm mắc bệnh rối loạn cơ xương khớp.

"Nhu cầu phục hồi chức năng của người dân rất lớn nhưng khả năng cung cấp dịch vụ còn nhiều hạn chế, bất cập. Nếu 30 triệu người khuyết tật, gặp các vấn đề về sức khỏe trên không được phục hồi chức năng thì gần như họ mất hoàn toàn sức lao động, tạo nên gánh nặng cho gia đình và xã hội", ông Hải nói.

TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

Tại tọa đàm, TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, với sự phát triển của khoa học công nghệ, phục hồi chức năng ngày càng chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong việc phòng ngừa khuyết tật, điều trị, phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng, và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua các phương pháp điều trị phục hồi chức năng và công nghệ trợ giúp.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, đã có nhiều tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực phục hồi chức năng. Hệ thống chính sách, áp luật về khám chữa bệnh, phục hồi chức năng được hoàn thiện. Các quy định về chuyên môn kỹ thuật được ban hành và áp dụng hiệu quả; tổ chức hệ thống, mạng lưới phục hồi chức năng với 1 bệnh viện phục hồi chức năng trung ương, 38 bệnh viện phục hồi chức năng địa phương (trong đó có 10 bệnh viện y học cổ truyền về phục hồi chức năng). Đồng thời có khoảng 550 khoa phục hồi chức năng/phục hồi chức năng tại các cấp cơ sở khám chữa bệnh từ ban đầu đến chuyên sâu và 25 bệnh viện/trung tâm thuộc y tế các Bộ, ngành đã ngày càng được củng cố.

Tuy nhiên, nhìn chung đối với phục hồi chức năng mắt tại Việt Nam, hiện nay còn chưa phát triển. "Tọa đàm này là một dịp quan trọng để chúng ta được biết thêm, học hỏi về thành tựu khoa học, công nghệ phục hồi chức năng Liên bang Nga, đặc biệt là lĩnh vực phục hồi chức năng mắt, cũng như cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được về phục hồi chức năng tại Việt Nam.

Tọa đàm cũng bàn thảo về những bước tiến mới, hợp tác phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng nói chung, phục hồi chức năng mắt nói riêng giữa 2 Hội phục hồi chức năng Liên bang Nga và Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phục hồi sức khỏe cho người dân", TS. Vương Ánh Dương cho biết.

Bác sĩ Vasilev Valery Leonidovich, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Nga, Đa khoa Quốc tế Việt - Nga

Theo bác sĩ Vasilev Valery Leonidovich, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Nga, Đa khoa Quốc tế Việt - Nga, tại Việt Nam, nhu cầu về phục hồi chức năng đang ngày càng gia tăng do số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động và số ca bị thương nặng tăng từ 1,2 đến 2,4 lần so với những năm trước đó. Tỷ lệ người cao tuổi chiếm 12% trong tổng dân số, khí hậu thời tiết nồm ẩm cũng là yếu tố gây ra bệnh đau nhức xương khớp, thoái hóa cơ xương khớp.

Chuyên gia cho rằng, vận động trị liệu là một trong những phương pháp chủ yếu của phục hồi chức năng, dựa trên nguyên lý cơ thể vận động giúp tái tạo, cải thiện và duy trì trạng thái chức năng của cơ - xương - khớp, hệ tim mạch và các hệ thống khác trong cơ thể. Nếu làm tốt phương pháp vận động trị liệu, 95% người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể phục hồi mà không cần phẫu thuật.

Chí Tâm