Chuỗi chăm sóc xe tốc hành của 3 bạn trẻ

Sinh viên Phạm Hữu Thành - Trưởng nhóm dự án cho biết: “Là những sinh viên học công nghệ ô tô, qua thực tế, nhóm cảm nhận, hiện nay, các cơ sở sửa xe, rửa xe còn nhiều bất cập, nếu đông người, chủ xe phải ngồi chờ lâu mới đến lượt. Các cơ sở cũng thiếu những tiện ích đi kèm, như: tư vấn khách hàng về cách sử dụng, bảo quản xe tốt hay giặt mũ bảo hiểm, sửa chữa kịp thời những hư hỏng xe... Từ đó, nhóm nảy sinh ý tưởng chuỗi chăm sóc xe tốc hành, và rất vui vì dự án đã đoạt giải bởi cuộc thi có đến hơn 1.500 dự án tham gia”.

Xưởng chăm sóc xe tốc hành hoạt động tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang.

Theo các bạn, nền móng của dự án là xưởng rửa xe Tốc hành, đang được triển khai tại trường với quy trình cụ thể, khoa học. Sinh viên Trịnh Văn Phong - thành viên của nhóm cho biết: Khi một khách hàng đưa xe vào xưởng, xe sẽ được tiếp nhận và trải qua các bước: xịt dung dịch làm mềm vết bẩn; rửa gầm xe; rửa thân xe (bằng bọt tuyết); xả nước, lau khô, làm bóng. Các quy trình này chỉ mất 7 phút (đối với xe máy). Trong thời gian chờ đợi, khách được tư vấn những thông tin hữu ích về kỹ thuật ô tô, xe máy, cứu hộ giao thông bằng các kênh video của dự án. Cùng với đó là các dịch vụ miễn phí khác, như: Giặt mũ bảo hiểm tự động, ép nhựa plastic giấy tờ của khách với mong muốn mang lại cho người dùng trải nghiệm tốt nhất. Chi phí chăm sóc xe 22.000 đồng/xe máy, 44.000 đồng/ô tô.

Được biết, đây là điểm đầu tiên của dự án. Sau đó, nhóm sẽ phát triển mở rộng ra với lộ trình 2 cửa hàng/năm, có thể chuyển giao, nhượng quyền hay cho thuê. Dự án ước tính doanh thu 132 triệu đồng/tháng nếu sử dụng 100% công suất (3 line, 200 xe/ngày); 66 triệu đồng/tháng nếu sử dụng 50% công suất. Đồng thời, tiếp tục phát triển các tiện ích phong phú, đa dạng nhằm phục vụ khách hàng.

Theo Thạc sĩ Trần Đình Ngọc Anh - Phó Trưởng khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, dự án hệ thống chuỗi chăm sóc xe tốc hành của các sinh viên trong khoa là một trong những dự án thuộc hệ thống khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nhà trường và được Ban Giám hiệu đặc biệt quan tâm. Mục tiêu của nhà trường là không chỉ đào tạo nên những thợ lành nghề, mà còn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Lãnh đạo nhà trường đang hướng tới việc xây dựng môi trường khởi nghiệp để kết nối “3 nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) để phát huy vai trò của những sinh viên có đam mê, được nhà trường rèn luyện, đào tạo nâng cao trở thành những sinh viên ưu tú, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Q.V