Chuyển biến từ phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ở Cẩm Thủy

Trò múa hát quanh cây bông của đồng bào dân tộc Mường.

Bên cạnh đó, Cẩm Thủy là địa bàn sinh sống của 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao từ nhiều đời nay, nên đây là cơ sở hình thành nên vùng đất đa dạng sắc thái văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã nhấn mạnh, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới và làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống của toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh. Thấm nhuần quan điểm đó, những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã gắn việc xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Để rồi, hiệu quả từ phong trào là đã huy động được sức mạnh toàn dân và cả hệ thống chính trị vào sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, xây dựng đời sống văn hóa nói riêng.

Trong xây dựng đời sống văn hóa, thì xây dựng gia đình văn hóa được xem là nội dung cốt lõi. Các tiêu chí gia đình văn hóa được địa phương chú trọng là gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; gia đình hòa thuận hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác học tập đạt năng xuất, chất lượng và hiệu quả cao. Trên cơ sở đó, ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Cẩm Thủy và các xã, thị trấn đã cụ thể hóa thành tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa để đưa vào hương ước, quy ước để triển khai thực hiện. Đến nay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển sâu rộng trên địa bàn. Kết quả, tính đến hết năm 2020, toàn huyện có 100% hộ gia đình đăng ký xây dựng văn hóa; có 24.362 gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 88%, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liên tục là 19.695 gia đình, đạt 67,78%. Các gia đình văn hóa thực sự là những tế bào xã hội khỏe mạnh đóng vai trò nòng cốt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, gìn giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội, bài trừ các tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Đồng thời gia đình văn hóa chính là những hạt nhân tiêu biểu trong việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, cũng như đóng góp xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Phong trào xây dựng làng, tổ dân phố, cơ quan văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới cũng là nội dung nòng cốt, xuyên suốt của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Năm 2020, toàn huyện có 119/119 làng, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa, đạt 100%; 1 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới nâng cao. Kết quả đến hết năm 2020, có trên 90 đơn vị lập hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu đơn vị văn hóa cấp huyện; có 3 xã đạt danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Nhiều địa phương sau khai trương xây dựng văn hóa đã tạo ra diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, kinh tế - xã hội khởi sắc; văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy. Cũng tính đến năm 2020, toàn huyện có 80 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa; kết quả, có 7 đơn vị đề nghị công nhận danh hiệu đơn vị đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh và hơn 60 đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Nhiều cơ quan, đơn vị văn hóa đã trở thành những điểm sáng trong xây dựng và thực hiện quy chế cơ quan văn minh, xanh, sạch, đẹp; đề cao việc thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan; các thiết chế văn hóa như phòng đọc sách báo, sân chơi thể thao được đầu tư xây dựng, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, công chức.

Cùng với các phong trào xây dựng gia đình, làng, cơ quan, đơn vị văn hóa, huyện Cẩm Thủy cũng đặc biệt chú trọng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, việc cưới, việc tang và lễ hội ở nhiều địa phương đã có những chuyển biến tích cực, nhiều hủ tục đã được xóa bỏ, nếp sống văn minh ngày càng hình thành rõ nét. Điển hình như một số vùng đồng bào dân tộc như Mường, Dao đã bỏ hẳn lễ thách cưới, không tổ chức ăn uống dài ngày gây lãng phí thời gian và tiền của. Đám tang không để quá 24 tiếng, không phúng cỗ chín và ăn uống linh đình, không lăn đường, không rải giấy vàng ra đường làm mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm và gây lãng phí, tốn kém. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định của Nhà nước, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương; ngoài phần lễ là các hoạt động văn hóa lành mạnh như trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc; quá trình tổ chức lễ hội không còn hiện tượng lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán.

Nói đến Cẩm Thủy là nói đến vùng đất của di tích và danh thắng đẹp. Trong đó phải kể đến di chỉ khảo cổ Làng Hạ, chùa Chặng, Thung Chẹ, chùa Bình Vôi, Cửa Hà (thị trấn Phong Sơn); suối cá Cẩm Lương và đền Ngọc (xã Cẩm Lương); Thung Phổ (xã Cẩm Thành); quần thể động Vân Màu, động núi Vụng Thung, Eo Lê, núi và động Diệu Sơn (xã Cẩm Tân); chùa Rồng (xã Cẩm Thạch); chùa Vọng (xã Cẩm Giang)... Cùng với đó là nhiều lễ hội đặc sắc, gắn với các di tích, các nhân vật lịch sử, các vị thần theo quan niệm dân gian; các trò chơi trò diễn, nghề thủ công truyền thống, kho tàng văn học dân gian... của các dân tộc anh em. Những năm qua, cùng với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng luôn được huyện Cẩm Thủy quan tâm. Đặc biệt, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương, năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và phát triển du lịch suối cá Cẩm Lương. Từ đó đến nay, cùng với sự quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất du lịch, xúc tiến quảng bá... suối cá Cẩm Lương đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, có sự kết hợp hài hòa giữa huy động sức dân, vì lợi ích của dân và do dân tự quản. Qua phong trào, người dân tích cực phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng đời sống văn hóa, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần. Cũng qua phong trào, các di sản văn hóa, giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn và phát huy; tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm được tăng cường; bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc, đói nghèo, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Đặc biệt, việc triển khai phong trào ngày càng rộng khắp đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể về ý nghĩa và hiệu quả thiết thực của phong trào. Từ đó, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, chỉ tiêu, chương trình hành động, các đề án phát triển văn hóa, nhằm đẩy mạnh phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên