Chuyên gia tâm lý tội phạm phân tích vụ bắt cóc, sát hại bé gái 21 tháng tuổi

Ngày 22/9, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về tội giết người. Trang là người bắt cóc cháu N.H.T. (2 tuổi, ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm), đòi chuộc 1,5 tỷ đồng.

Trước đó, vào chiều 19/9, nghi can Giáp Thị Huyền Trang đã đến trường đón cháu bé 21 tháng tuổi. Sau đó, đối tượng chở nạn nhân về khu vực xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Hình ảnh ghi lại thời điểm nghi phạm bắt cóc cháu bé 21 tháng tuổi.

Đến khoảng 11h30 ngày 20/9, thi thể cháu N.H.T được phát hiện tại ao thả cá thuộc trang trại của gia đình ông N.X.T ở cánh đồng thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Trước thông tin bé gái bị nghi phạm bắt cóc, sát hại tử vong, trao đổi với Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, hiện nay chưa có thông tin đầy đủ phản ánh lý do nạn nhân tử vong.

Theo Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, có thể đối tượng sợ bị phát hiện trong quá trình khống chế cháu bé, không có nơi cất giấu hoặc đưa cháu bé đi với mình gây sự chú ý nên đã giết hại cháu để thoát ly tang vật. Cũng có thể có một số nguyên nhân khác như bệnh lý, tai nạn ...

"Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tôi tin tưởng cơ quan chức năng sẽ sớm điều tra xác minh, làm rõ và bắt giữ được hung thủ. Nguyên nhân nghi phạm gây ra bắt nguồn từ sự xuống cấp về đạo đức...", Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu nhận định.

Được biết, vào tối 21/9, lực lượng chức năng và người dân đã phát hiện một thi thể nữ giới ở khu vực hạ lưu sông Đuống gần cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Hiện cơ quan chức năng đang làm các thủ tục để xác định thi thể nói trên có phải là Giáp Thị Huyền Trang hay không, đồng thời cũng đưa mẹ nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang đi lấy mẫu để làm công tác xét nghiệm ADN.

Bắt cóc trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu

Qua những vụ án bắt cóc trẻ em đã xảy ra, Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở mọi lứa tuổi.

Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu. (Ảnh: NVCC).

Đối tượng gây án là bất kỳ ai, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm con, đối tượng lưu manh hình sự, không có công ăn việc làm, thua nợ bóng đá, lô đề, cờ bạc...

Những vụ bắt cóc này thường có sự chuẩn bị trước, đối tượng nhắm vào những gia đình quen biết hay những gia đình có điều kiện khá giả. Họ thăm dò quy luật sinh hoạt của gia đình nạn nhân, theo dõi hành trình di chuyển của trẻ, khảo sát địa hình… Sau đó, các đối tượng lên kịch bản, phương án tiếp cận để dụ dỗ, lừa gạt hay khống chế bắt cóc đứa trẻ.

Để đảm bảo không bị gia đình nạn nhân tố cáo, trình báo với cơ quan Công an, bọn chúng thường gây áp lực tinh thần với cha mẹ đứa trẻ, bằng cách đe dọa nếu báo Công an sẽ giết hại hoặc cắt chân, tay… nạn nhân.

Nhiều trường hợp trẻ đã bị các đối tượng sát hại trên đường bỏ trốn. Còn đối với những đứa trẻ được lực lượng chức năng kịp thời giải cứu sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề trong quá trình phát triển, tạo tâm lý bất an cho cả người thân xung quanh.

Qua nhiều trường hợp trẻ bị bắt cóc, Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu khuyến cáo cha mẹ nếu con rơi vào trường hợp này nên bình tĩnh, trình báo với cơ quan công an một cách bí mật, tránh "rút dây động rừng". Không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài sự chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng chức năng.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Đan Tâm