Giải Nobel Y học 2023 được trao cho 2 nhà khoa học tiên phong tạo ra vắc xin COVID

RNA thông tin, công nghệ cứu sống hàng triệu người trong đại dịch

Cơ quan trao giải thưởng Thụy Điển cho biết: “Những người đoạt giải đã đóng góp vào tốc độ phát triển vắc xin chưa từng có trong thời kỳ xảy ra một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người ở thời hiện đại”.

Lễ công bố Katalin Kariko và Drew Weissman đoạt giải Nobel Y học 2023 tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển vào ngày 2 tháng 10 năm 2023.

Giải thưởng này, một trong những giải thưởng danh giá nhất trong thế giới khoa học, được Hội đồng Nobel của trường đại học y khoa Viện Karolinska của Thụy Điển lựa chọn và cùng chia nhau 11 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1 triệu USD).

Kariko, cựu phó chủ tịch cấp cao và người đứng đầu bộ phận mRNA tại công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức, là giáo sư tại Đại học Szeged ở Hungary và giáo sư phụ trợ tại Đại học Pennsylvania (UPenn).

Kariko, người đã đấu tranh trong nhiều năm để tìm kiếm tài trợ cho nghiên cứu của mình, cho biết trong bài phát biểu cùng với Weissman tại cơ sở Philadelphia của UPenn, vài giờ sau khi bà bị đánh thức bởi cuộc gọi từ Stockholm: "Điều quan trọng là phải có một sản phẩm hữu ích".

Người đồng chiến thắng Weissman, giáo sư nghiên cứu vắc xin cũng tại UPenn, cho biết chiến thắng là "giấc mơ cả đời" và nhớ lại đã làm việc hăng say với Kariko trong hơn 20 năm, bao gồm cả những email lúc nửa đêm để bàn về công việc.

Weissman cho biết hôm thứ Hai: “Chúng tôi từng không thể khiến mọi người chú ý đến RNA như một điều gì đó thú vị. Hầu hết mọi người đều đã từ bỏ nó”.

Năm 2005, Kariko và Weissman đã phát triển thành công cơ chế ngăn hệ thống miễn dịch tấn công lại mRNA do phòng thí nghiệm tạo ra, từng là trở ngại lớn đối với bất kỳ việc sử dụng công nghệ này trong điều trị.

Weissman cho biết hôm thứ Hai: “Chúng tôi từng không thể khiến mọi người chú ý đến RNA thông tin như một điều gì đó thú vị. Hầu hết mọi người đều đã từ bỏ nó”.

BioNTech, một công ty sinh học nhỏ trước khi COVID-19 bùng phát của Kariko, cho biết vào tháng 6 rằng khoảng 1,5 tỷ người trên khắp thế giới đã nhận được vắc xin mRNA do họ hợp tác phát triển với Pfizer.

Kariko và Weissman là ai?

Lớn lên ở một ngôi làng và trong một gia đình nghèo khó ở Hungary, Kariko lấy bằng tiến sĩ hóa sinh ở Szeged trước khi cùng chồng bán chiếc xe Lada do Liên Xô sản xuất, giấu một ít tiền mặt vào con gấu bông của con gái và đến Mỹ định cư vào ngày 11/11.

Katalin Kariko (trái) và Drew Weissman đã dành cả sự nghiệp để tìm ra phương pháp chữa bệnh dựa trên mRNA. Ảnh: Reuters

Cô con gái Susan Francia của bà sau đó thậm chí còn đã trở thành vận động viên chèo thuyền quốc gia Mỹ và là người đoạt HCV Olympic. Trước khi nổi tiếng, bà Kariko thường được giới thiệu như mẹ của một nhà vô địch Olympic trong các sự kiện, nhưng giờ thì có thể nói đã ngược lại.

Tại UPenn, Kariko đã cố gắng biến mRNA thành một giải pháp điều trị trong suốt những năm 1990 nhưng gặp khó khăn trong việc giành được tài trợ vì nghiên cứu về DNA và liệu pháp gen đã thu hút hầu hết sự chú ý của cộng đồng khoa học vào thời điểm đó.

Kariko cho biết bà đã phải chịu đựng sự chế giễu từ các đồng nghiệp ở trường đại học vì sự kiên trì theo đuổi đáng ngạc nhiên của mình đối với công nghệ này, bất chấp bị mất chức giải viên toàn thời gian ở UPenn vì không tìm được nguồn tài trợ vào năm 1995 và sau khi nghỉ hưu.

Trong khi đó, Weissman nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Boston năm 1987 và gia nhập UPenn năm 1997. Hai người cho biết họ gặp nhau và bắt đầu trò chuyện vào năm 1998 trong khi chờ mua máy photocopy.

“Có lẽ bây giờ bạn có thêm một số máy photocopy”, Kariko nói tại UPenn hôm thứ Hai. “Tôi khoe về cách tôi có thể tạo ra RNA, còn Drew Weissman quan tâm đến vắc xin, và đó là cách sự hợp tác của chúng tôi bắt đầu”.

Ngài Andrew Pollard, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Oxford, người đã theo đuổi một công nghệ khác khi cùng phát triển loại vắc xin COVID ít được sử dụng hơn của AstraZeneca, cho biết “công việc mang tính đột phá” do Kariko và Weissman nên được ủy ban Nobel công nhận.

mRNA và cú bứt phá trong đại dịch COVID

Công nghệ mRNA, được phát hiện vào năm 1961, là một phân tử tự nhiên đóng vai trò là công thức sản xuất protein của cơ thể. Việc sử dụng mRNA do phòng thí nghiệm tạo ra để hướng dẫn tế bào con người tạo ra các protein trị liệu, vốn từ lâu được coi là không thể, đã được tiên phong về mặt thương mại trong thời kỳ đại dịch COVID. Việc thương mại hóa công nghệ này cũng được được thực hiện cùng lúc bởi cả công ty Moderna.

Vắc xin COVID dựa trên công nghệ mRNA. Ảnh: Reuters

Việc sử dụng mRNA rất tiềm năng, không chỉ để sản xuất vắc xin COVID mà còn được ứng dụng để tạo ra các liệu pháp điều trị ung thư và vắc-xin chống sốt rét, cúm và bệnh dại.

Giải Y học khởi đầu mùa Nobel năm nay và 5 giải còn lại sẽ được công bố trong những ngày tới. Giải thưởng được trao lần đầu tiên vào năm 1901, do nhà phát minh thuốc nổ người Thụy Điển kiêm doanh nhân giàu có Alfred Nobel tạo ra.

Giải thưởng y học năm ngoái thuộc về người Thụy Điển Svante Paabo vì đã giải trình tự bộ gen của người Neanderthal.

Kariko nói hôm thứ Hai: “Nếu bạn không thích những gì mình đang làm thì bạn không nên làm nó. Nếu bạn muốn giàu có, tôi không biết câu trả lời cho điều đó. Nhưng nếu bạn muốn giải quyết vấn đề thì khoa học là dành cho bạn".

Hoàng Hải (theo Nobel Price, Reuters)