Một số đơn vị giám định, chứng nhận hàng hóa của Việt Nam độ tin cậy chưa cao

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Đơn vị giám định cố tình “du di” kết quả

Theo VCCI, các dịch vụ đánh giá sự phù hợp như giám định, chứng nhận…thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên do cạnh tranh, không ít đơn vị giám định đã đáp ứng cho khách hàng kết quả không trung thực.

Theo phản ánh của doanh nghiệp (DN) mức độ tin cậy của một số đơn vị giám định, chứng nhận của Việt Nam chưa cao.

Tình trạng đơn vị giám định cố tình “du di” để có kết quả đánh giá tốt hơn theo yêu cầu của khách hàng vẫn diễn ra một số nơi khiến các kết quả giám định, chứng nhận bị người tiêu dùng (NTD) nghi ngờ.

Điều này dẫn đến hàng hóa của Việt Nam khó xuất khẩu hơn, các DN trung thực không thể cạnh tranh với đối thủ gian dối.

Theo VCCI chính sách đối với dịch vụ này cần đáp ứng hai mục tiêu. Nhà nước nên tiếp tục mở rộng xã hội hóa, tăng cường cạnh tranh trên thị trường.

Chỉ định nhiều hơn các đơn vị giám định, chứng nhận...có đủ năng lực, không can thiệp vào giá dịch vụ. Đồng thời, Nhà nước cần kiểm soát kỹ tính trung thực, khách quan các kết quả đánh giá của đơn vị giám định để được xã hội tin tưởng.

Về quản lý dịch vụ này, Luật nên được sửa đổi như sau. Tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh như các yêu cầu về máy móc, thiết bị, số lượng, kinh nghiệm của nhân sự.

Bổ sung quy định cấm các cơ quan nhà nước từ chối chỉ định đơn vị giám định đủ năng lực; bổ sung quy định cấm cố tình làm sai lệch kết quả đánh giá; hậu kiểm kết quả đánh giá…

Xăng dầu bắt buộc phải có tiêu chuẩn kỹ thuật mới được lưu thông. ẢNH: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp thuê dịch vụ “làm tiêu chuẩn cơ sở” đối phó

Luật quy định “Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện”. Tuy nhiên, hiện có nhiều loại hàng hóa thuộc diện bắt buộc phải có tiêu chuẩn kỹ thuật mới được lưu thông như xăng dầu, mũ bảo hiểm, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thức ăn thủy sản,…

Thêm vào đó Nghị định 119/2017 sẽ xử phạt hành vi “không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu”.

Việc đưa ra quy định loại hàng hóa nào có thể tự nguyện và bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn hiện không có tiêu chí rõ ràng, không có danh mục để DN tiện tra cứu.

Do đó, nhiều DN phản ánh bị xử phạt do không biết rõ hàng hóa của mình thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hơn nữa, quy định này khiến nhiều DN thuê dịch vụ “làm tiêu chuẩn cơ sở” một cách đối phó. Sau đó không cung cấp cho NTD, NTD không có thông tin để lựa chọn hàng hóa có chất lượng tốt hơn…

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cân nhắc một số quy định trong dự thảo.

Cụ thể, xác định rõ tính tự nguyện của tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp bắt buộc phải có tiêu chuẩn, cần quy định về tiêu chí, thẩm quyền lựa chọn các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải có tiêu chuẩn.

Nếu luật hóa việc bắt buộc phải có tiêu chuẩn, cần cân nhắc ban hành các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện buộc phải có tiêu chuẩn để DN tiện tra cứu và thực thi.

TÚ UYÊN