Ngành Tài chính - Ngân hàng: Các trường top lấy điểm chuẩn bao nhiêu?

Ngành Tài chính Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xét tuyển các tổ hợp A00, A01, D01, D07. Trong năm 2020 và 2021, trường tách ngành này thành 3 ngành là Ngân hàng, Tài chính công và Tài chính doanh nghiệp. Sau đó, từ năm 2022, ba ngành được nhập thành ngành Tài chính - Ngân hàng.

Năm 2019, trường lấy điểm chuẩn ngành này là 25 điểm. Hai năm gần đây điểm chuẩn của ngành đều trên 27 điểm.

Trong hai năm 2020 và 2021, ngành Tài chính - Ngân hàng tách thành ba ngành gồm Ngân hàng, Tài chính công và Tài chính doanh nghiệp, điểm chuẩn thường trên 26 điểm.

Ngành Tài chính - Ngân hàng luôn nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn xét tuyển cao tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển 320 chỉ tiêu cho ngành Tài chính - Ngân hàng. Trong đó 58 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (18%) và 262 chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp và xét tuyển thẳng (82%).

Tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành Tài chính - Ngân hàng lấy thang điểm 40 (điểm môn tiếng Anh nhân hệ số 2) với các tổ hợp xét tuyển gồm A01, D01, D09 và D10.

Từ năm 2020 đến năm 2023, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế đều trên 32 điểm, cao nhất là năm 2021 với 35,75 điểm.

Bên cạnh đó, để trúng tuyển thí sinh phải đáp ứng tiêu chí phụ với điểm môn Toán. Từ năm 2020 đến năm 2022, ngành Tài chính - Ngân hàng có điểm tiêu chí phụ cao nhất trường với điểm môn Toán đạt từ 8,6 điểm; năm 2023, tiêu chí phụ với điểm môn Toán đạt từ 8,2 điểm.

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế dự kiến tuyển 410 chỉ tiêu đối với ngành Tài chính - Ngân hàng và giữ nguyên 4 tổ hợp xét tuyển.

Ngành Tài chính - Ngân hàng của Học viện Tài chính xét tuyển 4 tổ hợp là A00, A01, D01 và D07.

Từ năm 2022, Học viện Tài chính tách ngành Tài chính - Ngân hàng thành 3 ngành là ngành Tài chính - Ngân hàng 1 (gồm các chuyên ngành Quản lý tài chính công; Thuế; Hải quan và Nghiệp vụ ngoại thương; Tài chính quốc tế; Phân tích chính sách tài chính); ngành Tài chính - Ngân hàng 2 (gồm các chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp; Phân tích tài chính; Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản) và ngành Tài chính - Ngân hàng 3 (gồm các chuyên ngành Ngân hàng; Tài chính bảo hiểm; Đầu tư tài chính).

Trong hai năm gần nhất, cả 3 ngành Tài chính - Ngân hàng của trường đều giữ ở mức khá ổn định (trên 25 điểm).

Năm 2023, ngành Tài chính - Ngân hàng 2 có điểm xét tuyển dựa vào kết quả thi trung học phổ thông cao nhất trong 3 ngành với 26,04 điểm. Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông ngành Tài chính - Ngân hàng 3 có điểm cao nhất là 29,5 điểm.

Năm 2024, Học viện Tài chính dự kiến tuyển 600 chỉ tiêu đối với ngành Tài chính - Ngân hàng 1; tuyển 490 chỉ tiêu với ngành Tài chính - Ngân hàng 2 và 310 chỉ tiêu đối với Tài chính - Ngân hàng 3.

Trường Đại học Thương Mại, ngành Tài chính Ngân hàng được đào tạo theo 2 chuyên ngành: Tài chính - Ngân hàng thương mại và Tài chính công. Trường cũng xét tuyển với 4 tổ hợp là A00, A01, D01 và D07.

Trong 4 năm tuyển sinh gần nhất, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng đạt mức điểm cao nhất vào năm 2021. Cụ thể điểm chuẩn chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng thương mại là 26,35 điểm, chuyên ngành Tài chính công là 26,15 điểm.

Năm 2022, điểm chuẩn cả 2 chuyên ngành đều giảm nhẹ. Chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng thương mại giảm còn 25,9 điểm và chuyên ngành Tài chính công giảm còn 25,8 điểm.

Năm 2023, chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng thương mại giữ nguyên mức điểm chuẩn là 25,9 điểm, chuyên ngành Tài chính công là 25,7 điểm.

Năm 2024, chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng thương mại dự kiến xét tuyển 150 chỉ tiêu và chuyên ngành Tài chính công xét tuyển 80 chỉ tiêu.

Năm nay, Trường Đại học Thương mại mở thêm ngành chuyên ngành Công nghệ Tài chính ngân hàng và xét tuyển 100 chỉ tiêu. Trường giữ nguyên 4 tổ hợp xét tuyển như các năm trước gồm A00, A01, D01 và D07.

Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhẹ trong 4 năm qua.

Năm 2020, ngành Tài chính - Ngân hàng của cơ sở đào tạo này có 11 chuyên ngành: Tài chính công, Quản lý thuế, Ngân hàng, Tài chính, Thị trường chứng khoán, Đầu tư tài chính, Ngân hàng đầu tư, Quản trị rủi ro tài chính, Ngân hàng quốc tế, Thuế trong kinh doanh, Quản trị hải quan - ngoại thương.

Đến năm 2021, chuyên ngành Quản trị rủi ro tài chính đổi tên thành ngành Quản trị tín dụng, và giữ nguyên 10 chuyên ngành còn lại. Cả 11 chuyên ngành chung mã xét tuyển ngành Tài chính - Ngân hàng.

Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng trong 3 năm từ năm 2020 đến năm 2022 luôn ở mức trên 25 điểm.

Năm 2023, ngành Tài chính Ngân hàng chia thành 6 chuyên ngành gồm Tài chính công, Thuế, Ngân hàng, Thị trường chứng khoán, Tài chính, Đầu tư tài chính. Mỗi chuyên ngành đều có mã đăng ký xét tuyển riêng và điểm chuẩn đầu vào khác nhau.

Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 6 chương trình của ngành Tài chính - Ngân hàng xét tuyển 4 tổ hợp A00, A01, D01 và D07.

Hai chuyên ngành Tài chính và Đầu tư tài chính có mức điểm chung là 25,7 điểm - mức điểm chuẩn cao nhất trong các các chuyên ngành của ngành Tài chính - Ngân hàng. Xếp sau là chuyên ngành Ngân hàng với 25,3 điểm. Chuyên ngành có điểm chuẩn thấp nhất là chuyên ngành Thuế với 23 điểm.

Năm nay, ngành Tài chính - Ngân hàng của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có thêm chuyên ngành Quản trị Hải quan - Ngoại thương. Tổng chỉ tiêu dự kiến của ngành Tài chính - Ngân hàng là 1.180 chỉ tiêu với 6 phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển trước đó.

Tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Tài chính - Ngân hàng xét tuyển 4 tổ hợp là A00, A01, D01 và D07.

Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng trong 4 năm gần nhất của trường đạt trên 24 điểm, năm 2021 là năm có mức điểm chuẩn cao nhất với 25,65 điểm. Từ 2021 đến nay, điểm chuẩn có sự giảm nhẹ. Năm 2023, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng giảm về mức 24,9 điểm.

Đối với ngành Tài chính - Ngân hàng (chương trình chất lượng cao), năm 2020 ngành có mức điểm chuẩn đạt 22,3 điểm, đến năm 2021 mức điểm tăng cao lên đến 25,25 điểm.

Đến năm 2022, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng (chương trình chất lượng cao) giảm về mức 23,1 điểm. Năm 2023, ngành tăng 1 điểm đạt mức 24,1 điểm.

Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng luôn đạt ở mức trên 25 điểm.

Năm 2021, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt mức 26,55 điểm, cao nhất so với các năm tuyển sinh khác. Các năm sau đó điểm chuẩn đều giảm. Cụ thể, năm 2022 giảm xuống còn 26,05 điểm, năm 2023 giảm về mức 25,59 điểm.

Ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển 4 tổ hợp là A00, A01, D01 và C01.

Đối phương thức xét tuyển kết quả thi trung học phổ thông, điểm chuẩn dao động từ 18 đến 20 điểm, thấp hơn so với các trường trong khối kinh tế.

Hai năm gần nhất, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng luôn giữ ở mức 18 điểm, tương ứng 6 điểm/môn.

Thùy Trang