TPHCM: Trước và sau Tết 1 tháng, hàng hóa sẽ không tăng giá

Tại Kỳ họp thứ mười ba, Hội đồng Nhân dân (HĐND) khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, trả lời chất vấn của các đại biểu về công tác hỗ trợ doanh nghiệp và bình ổn hàng Tết, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, sở đã tham mưu cho UBND TPHCM tìm giải pháp hỗ trợ, xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu, cải cách hành chính.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM. (Ảnh: Thành Nhân).

Ông Vũ cho hay, thời gian qua về công tác kích cầu đầu tư còn chưa được hiệu quả vì sức mua hàng suy giảm, hàng hóa của TPHCM xuất khẩu chậm. Cũng theo ông Vũ, trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, TPHCM tiếp tục triển khai chương trình kích hoạt bình ổn hàng Tết.

Để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp Tết sắp tới, các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM đã chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn. Trong đó, hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Dự kiến, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% - 43%. Bình quân, mỗi tháng các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM đã chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp TP.HCM đã sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…

Kiên quyết không để xảy ra thiếu hàng, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống. Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết như bánh kẹo, nước giải khát…; chủ động có phương án hoặc để xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đồng thời, TPHCM cũng kết nối với các tỉnh cùng cấp nguồn hàng, thỏa thuận giá cả cho hợp lý. Mục tiêu, trước và sau Tết 1 tháng, hàng hóa sẽ không tăng giá.

XT