Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Sửa đổi Luật Dược để giải quyết ngay một số vướng mắc

Đề nghị chỉ bán lẻ trên TMĐT đối với thuốc không kê đơn

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược hiện hành để giải quyết dứt điểm tất cả những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để giải quyết ngay một số vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của nhân dân; những nội dung mang tính chiến lược, chưa rõ, cần được tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi luật hóa.

Đi vào một số nội dung cụ thể về chính sách của nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội thấy rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược, song các doanh nghiệp dược trong nước chưa tận dụng được lợi thế của mình do thiếu nguồn lực và trình độ về kỹ thuật công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn nước ngoài lại sẵn sàng đầu tư với các dự án lớn, "thâu tóm" các doanh nghiệp dược trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm dược trong nước bằng nhiều cách khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra.

Về các hình thức, phương thức kinh doanh dược mới, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, hai hình thức, phương thức kinh doanh dược mới được quy định trong dự thảo Luật, đó là kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức ương mại điện tử. Việc kịp thời luật hóa các nội dung này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc, thuận lợi và minh bạch trong bối cảnh thị trường dược Việt Nam đang ngày càng nở rộ các hình thức, phương thức kinh doanh nói trên.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội thấy rằng, cần có quy định để phân biệt hình thức kinh doanh theo chuỗi nhà thuốc với hình thức kinh doanh nhượng quyền; làm rõ quan hệ về sở hữu, quản lý, vận hành giữa doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc với các nhà thuốc trong chuỗi cùng với trách nhiệm của các chủ thể; quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc và từng nhà thuốc thuộc chuỗi để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận hành mô hình mới này.

Với kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chiều 18/6.

Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ cho phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử các thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cần bổ sung quy định biện pháp để bảo đảm chất lượng thuốc và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đồng thời, tiếp tục rà soát để thống nhất với áp luật về giao dịch điện tử.

Thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá

Về oxy y tế, đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội đề nghị không điều chỉnh tại Luật này do oxy y tế không phải là thuốc. Trước đây, khí y tế (bao gồm oxy y tế) thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định về thiết bị y tế nhưng đã được bỏ ra khi sửa đổi Nghị định này. Chính phủ cũng chưa đánh giá tác động của chính sách về quản lý oxy y tế, mặc dù đã được cơ quan thẩm tra đề nghị nhiều lần. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế.

Về quản lý giá thuốc, Ủy ban Xã hội thấy rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán, do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước; giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng.

Về Chứng chỉ hành nghề dược của người phụ trách công tác dược lâm sàng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ đề xuất quy định; đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm sự đồng thuận cao và tính khả thi, nhất là khi bổ sung quy định cho phép một cá nhân có thể được cấp 2 Chứng chỉ hành nghề; làm rõ hình thức cấp Chứng chỉ hành nghề (thi hay xét duyệt hoặc cả 2 hình thức) khi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp Chứng chỉ hành nghề; thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề cho vị trí khác ngoài vị trí phụ trách công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về quản lý thuốc độc, nguyên liệu độc làm thuốc, thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực, Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với Chính phủ vì thấy rằng, quy định như dự thảo Luật nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và doanh nghiệp; song, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định nguyên tắc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc nhóm thuốc độc, nguyên liệu độc làm thuốc trong dự thảo Luật để làm căn cứ quy định chi tiết.

Lê Bảo