Cơn bùng nổ chi tiêu của nhà nước thúc đẩy nền kinh tế Nga thời chiến

Quang cảnh ở Quảng trường Đỏ ở Moscow trong tháng 7. Ảnh: Getty

Kinh tế Nga dự kiến tăng trưởng 2,5%

Sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, Anna Gromova, một doanh nhân người Nga, nhanh chóng thành lập một công ty bất động sản. Quyết định đó đã được đền đáp.

Trong vòng vài tuần, cô đã môi giới thành công thương vụ mua một căn hộ từ thế kỷ 18, với sàn lát gỗ và trần nhà cao, nằm ở trung tâm cố đô St. Petersburg của Nga. Kể từ sau chiến tranh, chủ sở hữu người nước ngoài của căn hộ này ngừng đến Nga, cho phép khách hàng của cô mua nó với giá thấp hơn khoảng 40% so với giá trị hiện tại.

“Chúng tôi đã quen với việc sống trong tình trạng khủng hoảng thường trực ở Nga”, Gromova, người đã mua hai bất động sản để đầu tư và môi giới bán 150 bất động sản khác trong năm qua, cho biết.

Cô nói, giữa những cú sốc liên tục, mọi người đang tìm kiếm “cơ hội để đảm bảo thu nhập của họ”.

Công việc kinh doanh của cô càng phát đạt khi cơn bùng nổ chi tiêu do nhà nước dẫn dắt thúc đẩy nền kinh tế đất nước, bất chấp chiến dịch trừng phạt nhanh chóng và sâu rộng nhất trong lịch sử hiện đại mà phương Tây giáng vào Moscow.

Sức mạnh kinh tế đã tạo ra cảm giác hạnh phúc cho người Nga và giúp duy trì sự ủng hộ của dân chúng đối với chiến dịch quân sự của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine. Nhưng một số nhà kinh tế, cũng như vị thống đốc ngân hàng trung uy tín của Nga, cảnh báo kiểu chi tiêu này đang đe dọa sự ổn định tài chính của đất nước.

Điều đáng lo ngại là chính phủ Nga đang bơm tiền vào nền kinh tế quá nhanh. Khi khi chiến sự Ukraine trở thành một cuộc chiến tiêu hao, Tổng thống Putin đã rót nguồn dự trữ tài chính lớn của đất nước vào việc mở rộng sản xuất quốc phòng. Đồng thời, ông tăng lương hưu và phúc lợi cho những người Nga thu nhập thấp và trợ cấp cho các khoản vay thế chấp.

“Mọi người tiếp tục mua nhà với mức giá được nhà nước trợ cấp này”, bà Gromova, 44 tuổi, người gần đây đã trả xong một trong 5 khoản vay thế chấp của mình, nói.

Kết quả là nhu cầu về mọi thứ từ kỳ nghỉ ở bãi biển đến khung gầm xe tăng tăng đột biến. Tất cả những điều này đang thúc đẩy lạm phát. Trong nỗ lực ngăn chặn nền kinh tế phát triển quá nóng, hồi tháng 7, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến.

CBR dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng tới 2,5% trong năm nay. Tốc đô tăng trưởng nhanh hơn bình thường sẽ cho phép Nga phục hồi trên thực tế tất cả các hoạt động kinh tế đã bị xóa sổ kể từ chiến sự Ukraine. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga gần mức thấp kỷ lục. Tiên lương thực tế của người lao động tăng đều đặn trong năm nay, khi các nhà máy của nhà nước và công ty tư nhân cạnh tranh để tuyển dụng nguồn lao động khan hiếm.

Các khoản vay thế chấp mua nhà tăng đột biến

Các lãnh đạo ngành công nghiệp của Nga cho biết các nhà máy của họ đang nâng sản lượng lên các mức cao từ thời Liên Xô cũ. Chúng vận hành 3 ca, suốt ngày đêm để đáp ứng nhu cầu quân sự. Tại St. Petersburg, các xưởng dệt địa phương chật vật tìm công nhân lành nghề và nguyên liệu để đáp ứng vô số đơn đặt hàng quân phục. Trong khi đó, ở khu vực công nghiệp Sverdlovsk, một nhà máy sản xuất xe tăng địa phương gần đây ký hợp đồng với hàng trăm tù nhân để đạt được các mục tiêu sản xuất.

Những con số tăng trưởng mạnh mẽ đã làm đảo ngược kỳ vọng của một số quan chức phương Tây cho rằng, tác động của chiến sự Ukraine sẽ đẩy Nga vào một cơn suy thoái kéo dài, dẫn đến sự bất mãn của người dân đối với chính phủ của Tổng thống Putin.

Mới cách đây 3 tháng, các nhà phân tích phương Tây dự đoán, nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 0,9% trong năm 2023. Trong tháng này, họ điều chỉnh dự đoán và nhận định Nga có thể tăng trưởng 0,7% trong năm nay.

Hoạt động cho vay mở rộng nhanh chóng kể từ sau chiến tranh, khi Điện Kremlin tìm cách kích thích tăng trưởng và thúc đẩy sản lượng quân sự. Tính đến tháng 6, các khoản vay của doanh nghiệp tăng 19% trong năm nay, theo số liệu của CBR.

Giá trị tổng cộng của các khoản vay thế chấp mua nhà ở 20 ngân hàng hàng đầu của Nga tăng 63% trong nửa đầu năm nay, theo ngân hàng Dom.RF thuộc sở hữu nhà nước, và Công ty nghiên cứu bất động sản Frank Media. Trong 3 tháng đầu năm, cứ hai khoản thế vay chấp mới, có một khoản được nhà nước trợ cấp. Chính phủ Nga đã triển khai các chương trình xã hội khác nhau, cung cấp các khoản vay thế chấp cho những người mua nhà lần đầu, bao gồm cả quân nhân, với lãi suất ưu đãi.

“Bạn có thể yên tâm phục vụ quân đội không phải suy nghĩ nhiều vì bạn bảo đảm sẽ có một ngôi nhà cho riêng mình”, một quân nhân Nga nói trong một video do Bộ Quốc phòng Nga ghi lại, đề cập đến các khoản thế chấp được trợ cấp.

Lo ngại lạm phát

Tác động của chi tiêu công đặc biệt rõ nét ở các vùng nghèo hơn của Nga, nơi cung cấp phần lớn hoạt sản xuất quân sự và binh sĩ. Các khu vực giáp biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea cũng được hưởng lợi về kinh tế nhờ các khoản đầu tư lớn vào các cơ sở quân sự và sự xuất hiện của hàng chục nghìn quân nhân.

Tiền lương mà người lính Nga gửi về nhà thường vượt xa thu nhập trung bình của địa phương nhiều lần. Gia đình của những binh sĩ tử trận ở Ukraine nhận tiền bồi thường có thể vượt quá thu nhập hàng năm của họ.

Phần lớn số tiền đó được rót trở lại vào các nền kinh tế địa phương vì lệnh trừng phạt của phương Tây hạn chế khả năng đi du lịch nước ngoài của người Nga. Chi tiêu cho khách sạn ở Nga đã tăng 12% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022. Ở Crimea, chi tiêu trong các quán bar và nhà hàng tăng hơn gấp đôi.

Khi cây cầu nối bán đảo Crimea với Nga bị tấn công vào đầu tháng này, tình trạng kẹt xe kéo dài hơn 8 km chủ yếu do khách du lịch Nga đổ tới bán đảo này.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao có thể không bền vững.

Việc nhà nước mở rộng chi tiêu và tình trạng giảm nguồn thu từ dầu khí đã đẩy ngân sách quốc gia vào tình trạng thâm hụt.

Trong 5 tháng đầu năm, chính phủ Nga đã chi tiêu trên danh nghĩa nhiều hơn gần 50% so với cùng kỳ năm 2021, theo ước tính của Viện Kinh tế Gaidar, có trụ sở ở Moscow.

Doanh thu năng lượng của Nga trong 5 tháng đầu năm giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do các lệnh trừng phạt buộc Nga phải bán dầu với giá chiết khấu và các quốc gia châu Âu cắt giảm mua khí đốt tự nhiên của Nga.

Đà phục hồi kinh tế của Nga cũng bị hạn chế nghiêm trọng do tình trạng thiếu lao động kinh niên của Nga, một vấn đề mà Tổng thống Putin có rất ít cách giải quyết.

Quyết định huy động 300.000 nam giới cho mặt trận của ông đã lấy đi nhiều công nhân cổ cồn xanh ra khỏi nền kinh tế. Hàng trăm ngàn người Nga khác, chủ yếu là nhân viên cổ cồn trắng, đã rời khỏi đất nước để phản đối chiến tranh hoặc để tránh nghĩa vụ quân sự. Và ngay cả trước chiến tranh, dân số Nga đã suy giảm trong thời gian dài.

Nga đã không thể bù đắp tình trạng thiếu lao động bằng lao động nhập cư vì các lệnh trừng phạt đã làm giảm khả năng gửi kiều hồi về nước của họ.

Khi thông báo về đợt tăng lãi suất gần đây, Elvira Nabiullina, Thống đốc CBR nhiều lần đề cập đến tình trạng thiếu lao động. Đây là dấu hiệu cho thấy mối quan ngại của bà về quy mô của vấn đề. Bà cũng cho biết, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ đang vượt xa nguồn cung, gây ra lạm phát và đe dọa sự ổn định tài chính.

“Là một nhà kinh tế học, tôi không biết làm thế nào mà bong bóng kinh tế hiện tại của Nga có thể xì hơi được. Một ngày nào đó tất cả có thể sụp đổ như một ngôi nhà được xếp bằng các quân bài”, Alexandra Prokopenko, nhà nghiên cứu của Trung tâm Á Carnegie Russia Eurasia ở Berlin (Đức), đồng thời là cựu cố vấn của CBR, nói.

Theo NY Times

Lê Linh