Nỗ lực tạo bứt phá trong cải cách thủ tục hành chính

Tích cực đổi mới không để người dân phải chờ đợi

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của thành phố à Nội đã có bước tiến lớn. Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tại nhiều quận, huyện, thị xã đã áp dụng những cách làm sáng tạo, đổi mới, mang lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, huyện Hoài Đức là một trong những địa phương có nhiều đổi mới trong thực hiện cải cách TTHC. Huyện đã có 16 sáng kiến được thực hiện. Hiện nay, UBND huyện đang triển khai áp dụng một số mô hình, sáng kiến có tính ứng dụng cao trong cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Cụ thể như với Mô hình “Ngày thứ 6 xanh”, vào ngày thứ 6 hàng tuần, tại Bộ phận Một cửa huyện, xã, thị trấn một số TTHC các lĩnh vực kinh doạnh, giáo dục đào tạo, chứng thực hộ tịch trong vòng 60 phút. Từ tháng 12/2021 đến nay đã giải quyết 8.528 hồ sơ cấp huyện và cấp xã, được nhân dân đánh giá cao.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, với mô hình “Thông báo cho tổ chức, cá nhân về kết quả hết thời hạn sử dụng một số Giấy chứng nhận, Giấy phép đã được cấp”, người dân đã giảm bớt thời gian di chuyển và chờ đợi; huyện đã tiến hành trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngoài giờ theo lịch hẹn trước qua trang zalo Chính quyền điện tử hoặc quét mã QR vào thứ 5 hàng tuần...

Tại quận Ba Đình, với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, UBND quận Ba Đình cũng đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện Đề án mô hình Bộ phận “Một cửa” hiện đại các cấp.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, quận còn quan tâm triển khai nhiều mô hình, sáng kiến trong cải cách TTHC. Trong đó có nhiều mô hình, giải pháp được đánh giá cao như: Giải pháp Đặt hẹn trực tuyến trong tiếp nhận hồ sơ hành chính, Mô hình “Bộ phận làm ngay” trong giải quyết TTHC hay như sáng kiến tạo mã QR tra cứu và giải quyết hồ sơ TTHC đối với 100% các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của quận và phường,…

Quận Hoàn Kiếm cũng là đơn vị được đánh giá cao trong cải cách TTHC. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong năm 2023, quận đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết TTHC và công tác cán bộ. Tháng 8/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4190/QĐ-UBND về việc ban hành Chỉ số cải cách hành chính của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2030.

Trong cả hai bộ chỉ số đó đều có tiêu chí “Đổi mới, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính” với mức điểm tối đa là 1,50 điểm (trong thang điểm 100). Do đó, việc các địa phương chủ động áp dụng các mô hình sáng kiến rất cần thiết. Điều này góp phần thực hiện mục tiêu Thành phố đã đề ra: Phấn đấu cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công (Chỉ số SIPAS) của thành phố năm 2023 đạt trên 85%, năm 2025 đạt từ 90% đến 95%.

Không ngừng nỗ lực hơn nữa

Năm 2023 đánh dấu một năm đầy nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền hành phố Hà Nội trong công tác cải cách hành chính, với nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ số PARINDEX năm 2022 của Thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đánh giá của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, Thành phố đã chủ động triển khai công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa liên thông kịp thời theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Đối với rà soát, đơn giản hóa TTHC, Văn phòng UBND Thành phố đã chủ trì phối hợp các Sở, ngành tập trung rà soát 706 TTHC tại các lĩnh vực: Tư pháp, nội vụ, quy hoạch - kiến trúc, công thương, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, du lịch, lao động, thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, văn hóa và thể thao…

Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Năm 2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận TTHC toàn Thành phố là trên 4 triệu hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt tỷ lệ 99,74%; số hồ sơ giải quyết quá hạn có tỷ lệ 0,26%. Đây là tỷ lệ cao trong giải quyết TTHC đúng hạn, trước hạn của thành phố Hà Nội.

Triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, UBND Thành phố đã ban hành 13 Quyết định phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình 445 TTHC được lựa chọn xây dựng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến nay, đã tích hợp 727 dịch vụ công trực tuyến một phần, 165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện (đạt 74,2%); đang tích hợp, kiểm thử 214 dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Thành phố đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 318 dịch vụ công toàn trình, trên 1.550 dịch vụ công một phần.

Từ ngày 2/1/2024, Bộ phận Một cửa toàn Thành phố tập trung số hóa hồ sơ TTHC đến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Đến nay, các các tính năng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố đáp ứng yêu cầu kết nối Hệ thống quản lý văn bản Thành phố, cấp kết quả giải quyết TTHC bản điện tử. Tỷ lệ khai thác lại thông tin, dữ liệu số hóa là 213.883 hồ sơ (đạt 15,51%)…

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Chính phủ; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC...

Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, Hà Nội sẽ triển khai công tác cải cách TTHC với 32 nhóm nhiệm vụ và 17 chỉ tiêu cụ thể. “Năm 2024, UBND Thành phố yêu cầu mỗi đơn vị phải có một sáng kiến, cải tiến, cách làm hay”, Phó Chánh Văn phòng Cù Ngọc Trang cho biết.

Phó Chánh Văn phòng Cù Ngọc Trang cũng thông tin, trong tháng 2 này, UBND Thành phố sẽ triển khai hệ thống dashboard (bảng điều khiển kỹ thuật số) hiển thị kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành của Thành phố và việc thực hiện xử lý công việc toàn trình công việc trên môi trường điện tử của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Bảng điều khiển kỹ thuật số chỉ đạo điều hành sẽ được tích hợp trên ứng dụng “Công dân Thủ đô số”. Dựa trên kết quả hiển thị trên dashboard, doanh nghiệp, người dân và lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện có thể dễ dàng theo dõi, nắm bắt và quản lý một cách tổng quan những dữ liệu quan trọng phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, chấm điểm cán bộ, công chức...

Ngân Phương