Vai trò của du học sinh Harvard, Oxford với công nghệ Việt Nam

Những sinh viên về nước lập nghiệp sẽ là cầu nối vượt qua những ràng buộc cũ của Việt Nam. Ảnh: Thành Đông.

Đến tận bây giờ Trần Tuấn Anh, CEO start-up pin năng lượng mặt trời Solano, vẫn nhớ khoảng thời gian bắt đầu ở lớp kinh tế sau khi rời Việt Nam để theo học tại Đại học Oxford.

Khi đó, trong một bài tập yêu cầu chọn loại hình tài sản để đầu tư, Tuấn Anh đã chọn vàng và kết quả là đứng thứ 2 từ dưới đếm lên trong lớp. Đó cũng là lúc anh nhận ra phần lớn thế giới có suy nghĩ khác so với Việt Nam, nơi nhiều người đổ tiền mua vàng trước khi thị trường chứng khoán và bất động sản phát triển.

Tuấn Anh là một trong rất nhiều người quay trở lại Việt Nam sau nhiều năm học và làm việc tại nước ngoài. Điều này không chỉ thúc đẩy chuỗi cung ứng điện tử trong nước mà còn thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.

Theo Nikkei Asia, nhóm học sinh, sinh viên từng du học là một trong những lợi thế đặc biệt để Việt Nam phát triển giấc mơ về Thung lũng Silicon của riêng mình.

Giám đốc điều hành công ty năng lượng mặt trời Solano Trần Tuấn Anh (trái). Ảnh: Liên Hoàng.

Có nhân tài và tham vọng, nhưng năng suất lao động chưa đủ

Từ lâu, Việt Nam đã gửi rất nhiều sinh viên ra nước ngoài học tập, nhiều hơn hẳn so với các nước láng giềng. Đến khi trở về, những người này sở hữu kỹ năng và mạng lưới quan hệ đắt giá.

“Giáo dục ở Vương quốc Anh giúp chúng tôi nhận ra mục đích cao cả của lao động, hơn là chỉ kiếm tiền”, Tuấn Anh, CEO của công ty khởi nghiệp pin mặt trời Solano, chia sẻ.

Theo Nikkei Asia, suốt 2 thập kỷ qua, những thế hệ du học sinh đã tốt nghiệp và đi làm ở nước ngoài một thời gian đang mang kinh nghiệm đó về Việt Nam khi đã đủ chín muồi trong sự nghiệp.

Tại Mỹ, Việt Nam nằm trong top 10 lượng sinh viên quốc tế trong hơn một thập kỷ qua. Các chương trình du học sinh phổ biến từ Phần Lan đến Hàn Quốc cũng ghi nhận Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng sinh viên quốc tế.

Từ những ngôi trường danh tiếng ở nước ngoài như , Cambridge, sinh viên Việt Nam được đào tạo bài bản, trở về nước để lãnh đạo những công ty công nghệ lớn trong nước như Tap Tap, Uber Việt Nam, Abivin.

So sánh số lượng sinh viên quốc tế đến từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Nguồn: UNESCO.

Là học giả Chương trình Học bổng Quỹ Giáo dục Việt Nam - Vietnam Education Foundation (VEF), Ngô Tú cho biết nhiều bạn bè là du học sinh của bà đã về nước và thành lập các start-up đình đám.

"Vào những năm 2000, các trường đại học Mỹ vẫn chưa biết tầm cỡ của sinh viên Việt Nam", cựu CEO VEF Sandy Đặng nói với Nikkei Asia. Nhưng bây giờ, khi chương trình học bổng VEF tập trung vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, người Việt Nam ngày càng đổ xô đến các trường học ở Mỹ. "Điều này đã giúp tạo ra một nhóm thế hệ sinh viên có thành tích quốc tế cao”, cựu CEO chia sẻ.

Nhưng năng suất lao động thấp là một trở ngại với Việt Nam.

Khoảng cách giữa thực tế và tham vọng trong lĩnh vực công nghệ thể hiện rõ nhất ở các công ty khởi nghiệp và nhà máy. Nhân công Việt Nam đã bắt đầu sản xuất các thiết bị điện tử phức tạp cho Apple, Samsung, và Canon, nhưng cũng chỉ đóng góp nhỏ 55% vào giá trị của một sản phẩm trước khi được xuất khẩu. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số 8 quốc gia châu Á được Harvard đánh giá vào năm 2020.

Các nhà cung cấp linh kiện của Apple nói rằng họ không thể tìm đủ kỹ sư ở đây. Trên thực tế, đất nước này vẫn chưa có một start-up mạnh, vượt khỏi biên giới như Gojek của Indonesia hay Shopee của Singapore.

Văn hóa ít cổ vũ cho những giá trị mới

Bên cạnh đó, việc tâng bốc những người có bằng cấp nước ngoài cũng đi kèm với một hệ quả tất yếu. Đó là người dân dần ít tin tưởng vào bằng cấp trong nước. Các chứng chỉ, giải thưởng ngoại quốc trở thành yêu cầu bắt buộc đối với những vị trí cấp cao, gây ra sự phân biệt ngầm những người có và không có bằng cấp nước ngoài.

Trong khi đó, nhiều trường học Việt Nam đặt nặng kỹ năng học thuộc, ghi nhớ, hay các vấn nạn về tiêu cực. Các doanh nghiệp phàn nàn rằng thực tập sinh mới ra trường gần như không có kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện hay những kỹ năng mềm khác.

Giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề để bắt kịp thế giới. Ảnh: Duy Anh.

Ông Nguyễn Đức Long, đại diện Trung tâm Đổi mới Quốc gia cho biết việc được nhận chương trình giáo dục và đào tạo ở nước ngoài là vô giá. “Điều này rất khó làm theo ở Việt Nam”, ông nói với Nikkei.

Mặc dù đang cố gắng bắt kịp, các trường học trong nước vẫn còn những hạn chế. Giáo viên và phụ huynh thường răn dạy học sinh rằng chỉ có một câu trả lời đúng và chúng phải biết tôn trọng người lớn, chứ không được đặt câu hỏi. “Văn hóa Việt không có chỗ cho điều đó”, ông Long chia sẻ.

Theo một nghiên cứu của Google về 6 quốc gia lớn ở Đông Nam Á, Việt Nam được dự báo mức tăng trưởng lớn nhất khu vực cả về quy mô nền kinh tế Internet vào năm 2025, cũng như các giao dịch đầu tư mạo hiểm từ năm 2025-2030.

Bà Ngô Tú của VEF cho biết những doanh nhân về nước lập nghiệp như Tuấn Anh sẽ là cầu nối vượt qua những ràng buộc cũ.

“Các nhà đầu tư thường nói rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhưng thách thức nằm ở việc tìm kiếm nhà sáng lập và đối tác có thể tin tưởng để xây dựng những doanh nghiệp có tiêu chuẩn quản trị cao và liêm chính. Chúng tôi tin rằng thế hệ cầu nối này có thể đưa đất nước tiến lên phía trước, giúp định hình nhận thức mới về các doanh nghiệp tại Việt Nam”, bà Tú khẳng định với Nikkei Asia.

Thúy Liên

Theo Asia