Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Cần thêm chính sách thực sự đổi mới

Chính phủ luôn quan tâm đến “tam nông”

Giáo sư đánh giá như thế nào về kết quả xây dựng NTM trên bình diện cả nước trong giai đoạn vừa qua?

- Có thể nói trong hơn 10 năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả không thể phủ nhận. Chương trình đã thực sự làm thay đổi diện mạo nông thôn của cả nước. Tạo ra một luồng gió mới làm biến chuyển nhận thức trên diện rộng về xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn.

Diện mạo nông thôn mới tại huyện Thường Tín (TP Hà Nội). Ảnh: Trọng Tùng.

Nhiều địa phương đã sáng tạo ra những mô hình tốt, cách làm hay trong xây dựng NTM để lan tỏa, nhân rộng. Kinh tế nông thôn được coi trọng, phát triển. Đặc biệt, thu nhập của người nông dân không ngừng được nâng cao. Đời sống tinh thần và vật chất của cư dân nông thôn cũng ngày một được cải thiện rõ rệt.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thưa Giáo sư?

- Đúng vậy. Không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, tam nông còn là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng. Cùng với đó là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Trong điều kiện khó khăn đến từ thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm, ưu tiên phát triển. Minh chứng là vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM để thúc đẩy tam nông giai đoạn 2021 - 2025. Cá nhân tôi cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đối với khu vực dễ bị tổn thương này.

Quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách

Trong bất cứ giai đoạn nào, nguồn lực cho xây dựng NTM luôn là bài toán đặt ra. Đâu là giải pháp cho vấn đề này, thưa Giáo sư?

- Xây dựng NTM là chương trình rất quan trọng, giúp hỗ trợ, thúc đẩy cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, một khu vực đông dân cư, nhưng lại dễ bị tổn thương. Chính vì vậy rất cần sự quan tâm thích đáng.

Chính phủ cần bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương và có các giải pháp tích cực để huy động nguồn vốn đạt ít nhất 2,45 triệu tỷ đồng như đề xuất của Bộ NN&PTNT. Ngoài ra, cần có các gói hỗ trợ tích cực cho khu vực tam nông trong giai đoạn dịch Covid-19 để giúp người dân khôi phục, phát triển kinh tế.

Bên cạnh nguồn lực tài chính, các cơ chế, chính sách nào cần được xem xét để có thể cụ thể hóa mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn tới, thưa Giáo sư?

- Cá nhân tôi cho rằng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần tăng cường phân cấp có giám sát, hậu kiểm tốt hơn trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Sớm điều chỉnh cơ cấu tổ chức xây dựng NTM, các tiêu chí NTM bảo đảm phù hợp với quy hoạch.

Đặc biệt, cách thức tổ chức thực hiện cần chú trọng đến phát triển kinh tế nông thôn. Quan tâm chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân, chứ không chỉ chú trọng việc tăng quy mô và sản lượng sản xuất nông nghiệp thuần túy.

Các giải pháp giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn là hết sức quan trọng đối với mục tiêu phát triển tam nông giai đoạn 2021 - 2025.

Các bộ ngành, địa phương cũng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn. Xây dựng chương trình đào tạo nghề linh hoạt, thiết thực và hiệu quả hơn, để cán bộ địa phương, người dân có các chuẩn yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, học đi đôi với hành, học bằng các mô hình cụ thể, từ đó có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất, xây dựng NTM.

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần sớm nghiên cứu, có các cơ chế, chính sách thực sự đổi mới, nhất là cho vấn đề đất đai, môi trường. Tiếp tục hỗ trợ, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ hợp tác, cơ quan nghiên cứu khoa học trong thúc đẩy xây dựng NTM một cách hiệu quả.

Khuyến nghị phát triển cho Hà Nội

Cụ thể hóa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Hà Nội đã ban hành và đang tích cực triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy. Theo Giáo sư, xây dựng NTM của Hà Nội nên phát triển theo định hướng nào trong giai đoạn tới?

- Trong 5 năm tới (2021 - 2025), cá nhân tôi cho rằng phát triển tam nông của Hà Nội ngoài tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để cung cấp cho thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, còn cần phải đáp ứng được những yêu cầu đặc biệt khác. Đó là đảm bảo mục tiêu xanh - sạch - đẹp, quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nông thôn ven đô tại các địa bàn theo hướng đô thị hóa, hài hòa với không gian và cấu trúc kinh tế - xã hội, thân thiện với môi trường, gắn bó cùng thiên nhiên.

Giáo sư có khuyến nghị giải pháp nào để xây dựng NTM của Hà Nội đạt hiệu quả thực chất, bền vững và đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân?

- Hà Nội nên tập trung vào các nội dung Quy hoạch tích hợp nông nghiệp - sản xuất và phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo vành đai xanh cho Thủ đô. Quy hoạch và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo nhu cầu thị trường. Tổ chức lại sản xuất theo hướng phát huy thế mạnh của từng tác nhân, liên kết 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nông dân - doanh nghiệp) trong nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

Cùng với đó, TP cần nghiên cứu giải pháp chiến lược trong xử lý môi trường ở khu vực đô thị cũng như nông thôn. Quyết tâm củng cố các thành quả của xây dựng NTM thời gian qua, tiến tới xây dựng các mô hình NTM đặc trưng, NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với du lịch mang những đặc trưng riêng có của nông thôn mới Thủ đô, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống.

Xin cảm ơn Giáo sư!

“Trong giai đoạn tới, nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến bàn ăn, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, hướng tới tiêu chuẩn hóa và minh bạch chất lượng các sản phẩm. Muốn làm được điều đó, Hà Nội cần quy hoạch lại các vùng sản xuất để có đầu tư phát triển, trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ cao. Vận dụng tốt nhất các cơ chế, chính sách hiện có để hình thành lên các DN, hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành. Đặc biệt là cần chú trọng tăng cường năng lực cho cán bộ trực tiếp phụ trách lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn ở cơ sở; bởi nếu có chương trình, chính sách tốt nhưng thiếu lực lượng có chuyên môn thì việc thực thi sẽ khó có thể đạt hiệu quả mong đợi” - TS Hoàng Xuân Trường - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam).

Trọng Tùng