Bổ sung chính sách mới thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng

Nhiều chính sách đột phá cho phát triển công nghiệp quốc phòng

Hiện nay, qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và Động viên công nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng.

Theo Đại tá Phan Thị Hoài Vân, Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết: Về cơ bản, quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng an ninh được kế thừa các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính hợp lý, hiệu quả; trong đó có nội dung về giao cho Bộ trưởng ộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm quốc phòng an ninh, dịch vụ công nghiệp quốc phòng an ninh.

Đại tá Phan Thị Hoài Vân kiểm tra, động viên công nhân Nhà máy Z111, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh: Báo QĐND

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và cơ quan chức năng. Những ý kiến tham gia đóng góp đều tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng an ninh, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù cho lĩnh vực này.

“Trong dự thảo luật đã quy định rõ có 4 nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng an ninh, gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn tài chính của doanh nghiệp; các quỹ hợp pháp chi cho công nghiệp quốc phòng an ninh; các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp cho dự thảo luật, đã đề xuất sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư và hình thành quỹ công nghiệp quốc phòng an ninh để đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh. Quỹ hỗ trợ đầu tư đang được Chính phủ xây dựng nghị định trên cơ sở Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/011/2023 của Quốc hội. Quỹ có chức năng hỗ trợ, khuyến khích và thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước” Đại tá Phan Thị Hoài Vân cho biết thêm.

Dự thảo luật đã đưa cơ sở công nghiệp dân sinh vào hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh, đây là điểm mới so với quy định hiện hành. Đặc biệt, trong nhiệm vụ động viên công nghiệp, cách tiếp cận mới được thể hiện ở các mục tiêu:

Thứ nhất, mở rộng đối tượng động viên công nghiệp cho tất cả thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mở rộng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp về sản phẩm động viên công nghiệp, gồm: Vũ khí, trang bị kỹ thuật được sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng, vật tư kỹ thuật được sản xuất phục vụ quốc phòng an ninh; về đối tượng sử dụng sản phẩm.

Thứ hai, động viên công nghiệp được tiến hành trên cơ sở huy động năng lực đã có của doanh nghiệp; tập trung vào các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, quy mô sản xuất lớn, hạn chế huy động những doanh nghiệp nhỏ lẻ, sản xuất không ổn định; xây dựng mạng lưới cơ sở công nghiệp động viên rộng khắp, đa dạng về sản phẩm; đồng thời gắn kết chặt chẽ với hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.

Thứ ba, chuẩn bị động viên công nghiệp được tiến hành, thực hiện từ thời bình và trong suốt quá trình động viên. Động viên công nghiệp là quá trình khép kín, có phát triển trong thực hành chiến tranh và sau chiến tranh. Quy định nguyên tắc cơ bản đối với những vấn đề mà thực tiễn chưa đủ cơ sở để luật hóa hoặc cần có tính mở, tính dự báo làm cơ sở cho triển khai khi có tình huống trong tương lai.

Thứ tư, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các quân khu trong việc khảo sát, lựa chọn, quản lý năng lực của các doanh nghiệp để động viên công nghiệp trong những tình huống quốc phòng; xây dựng dữ liệu quốc gia quản lý năng lực các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện động viên công nghiệp.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả, tính khả thi, thu hút doanh nghiệp tham gia động viên công nghiệp thông qua việc bổ sung quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi; tăng cường, gắn kết về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.

Mục tiêu trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia

Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là chủ trương chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong thời kỳ đổi mới, nhất tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã đưa ra những định hướng quan trọng cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Cụ thể, tại Báo cáo chính trị trình đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ yêu cầu: "Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh kết hợp phục vụ dân sinh"; "Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã-hội...".

Việc phát triển Công nghiệp quốc phòng luôn được lãnh đạo Đảng, nhà nước cũng như Bộ Quốc phòng quan tâm phát triển

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030) đã nêu rõ: "Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao; tăng cường tiềm lực tận dụng và đẩy mạnh phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh"; "Đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học-công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược, từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang".

Các sản phẩm hàng hóa mang tính kinh tế phục vụ đời sống dân sinh trở thành lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phát triển ngày càng mạnh, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần trực tiếp vào nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam, vừa góp phần bảo đảm việc làm cho người lao động của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng trong thời bình không thể khai thác hết năng lực sản xuất và mang lại mức lương đủ để thu hút, giữ chân người lao động.

Đến nay, công nghiệp quốc phòng Việt Nam cơ bản bảo đảm tốt nhu cầu của lực lượng vũ trang, nhất là về vũ khí thông thường và một số loại vũ khí công nghệ cao.

Tuy nhiên, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đòi hỏi quan tâm đầu tư phát triển hơn nữa đến công nghiệp quốc phòng để phục vụ quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện như hiện nay, đặc biệt là khi hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng được xác định là một kênh không tách rời của quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, từng bước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất và hiệu quả thì xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng thế giới.

Thực tiễn các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh giữa các quốc gia trong thời gian gần đây càng cho thấy vai trò của công nghiệp quốc phòng trong phát triển công nghiệp quốc gia, làm bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dân sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh. Vì thế, có thể khẳng định, việc phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia là vấn đề mang tính chiến lược, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài.

Đức Lâm