Trung Quốc bắt hàng trăm người trong vụ bê bối ngân hàng gây chấn động

Nhóm người đòi tiền trước cửa chi nhánh của PBOC tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam hồi tháng 7 - Ảnh: AFP

Theo CNN, cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ 234 nghi phạm bị tình nghi có liên quan tới một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất từ trước tới nay nước này, liên quan tới 4 ngân hàng nông nghiệp tại tỉnh Hà Nam.

Động thái này diễn ra một tháng sau khi hàng trăm người gửi tiền biểu tình vì bị đóng băng tiền tiết kiệm gửi tại các ngân hàng này.

Kể từ tháng 4, các ngân hàng trên đã ngừng dịch vụ trực tuyến, phong tỏa việc rút tiền mặt của một số khách hàng cá nhân gửi tiền với tổng số tiền tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. Điều này đẩy hàng trăm nghìn khách hàng rơi vài cảnh khốn đốn giữa lúc nền kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt phong tỏa phòng dịch.

Trong thông cáo ngày 30/8, cảnh sát thành phố Hứa Xương, Hà Nam cho biết công tác khắc phục hậu quả đã đạt các bước tiến đáng kể và nhà chức trách đang tiếp tục đẩy mạnh điều tra.

“Một băng nhóm tội phạm do kẻ chủ mưu là Lv Yi, đã nắm quyền kiểm soát 4 ngân hàng nông nghiệp, trong đó có ngân hàng Yuzhou Xinminsheng Village, và thu hút người gửi tiền với lời hứa hẹn lợi nhuận hàng năm cao tới 18%”, thông cáo cho hay. Đây là mức lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường.

Số tiền gửi của khách hàng tại 4 ngân hàng trên bị đóng băng sau khi nhà chức trách bắt đầu điều tra Henan Xincaifu Group Investment Holding - công ty đầu tư tư nhân có cổ phần ở cả 4 ngân hàng. Công ty này bị cáo buộc thông đồng với các nhân viên ngân hàng để thu hút tiền gửi trái phép thông qua các nền tảng tài chính trực tuyến.

Quyết định đóng băng tiền gửi đã khiến nhiều đám đông tập trung trước các chi nhánh ngân hàng để đòi lại tiền, thổi bùng các cuộc biểu tình đôi khi kết thúc bằng bạo lực.

Vào tháng trước, hơn 1.000 người gửi tiền trên khắp Trung Quốc đã tập trung tại chi nhánh ở Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam) của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) để tiến hành cuộc biểu tình quy mô lớn nhất.

Nhà chức trách đánh giá đây là vụ lừa đảo phức tạp, làm dấy lên lo ngại về hoạt động của 4.000 ngân hàng nhỏ khác trên toàn Trung Quốc. Để củng cố lòng tin của người dân, nhà chức trách bắt đầu hoàn trả tiền cho người dân

Sau cuộc biểu tình nói trên, Cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm Hà Nam thông báo những người gửi tiền sẽ được trả lại tiền. Các khoản thanh toán đầu tiên được trả cho những người có tổng số tiền gửi dưới 50.000 Nhân dân tệ (khoảng 7.200 USD) tại một trong số 4 ngân hàng trên.

Trong ngày 29/8, cơ quan này tiếp tục thông báo sẽ mở một đợt hoàn tiền nữa cho khách hàng, lần này tập trung vào những người có tiền gửi từ 400.000-500.000 Nhân dân tệ (từ 57.800-72.200 USD).

Những bị mất nhiều tiền hơn sẽ nhận một khoản hoàn trả ban đầu là 500.000 Nhân dân tệ và số còn lại sẽ được bảo lưu.

“Sau đợt này, công tác hoàn tiền sẽ được hoàn tất phần lớn và những vấn đề khác sẽ do 4 ngân hàng giải quyết”, thông báo của cơ quan quản lý tài chính tỉnh Hà Nam cho biết.

Những năm gần đây, bê bối tại các ngân hàng nhỏ ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Một số đã bị buộc tội hoạt động tài chính bất hợp pháp hoặc tham nhũng. Giới phân tích cho rằng vụ bê bối này giáng một đòn mạnh vào niềm tin vào hệ thống tài chính ở Trung Quốc khi mà 4 ngân hàng trên đã hoạt động bất hợp pháp trong hơn một thập kỷ.

Các chuyên gia cũng lo ngại rằng một vấn đề tài chính lớn hơn nhiều có thể đang tiềm ẩn do cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản và nợ xấu tăng cao do đại dịch Covid-19.

Hiện 4.000 ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc nằm giữ khoảng 25% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tài chính này thường có cơ cấu quản lý và sở hữu không rõ ràng, và dễ bị tổn thương trước sự suy giảm kinh tế và nạn tham nhũng.

Trang Linh -