Cuộc gặp xúc động của Thủ tướng với cộng đồng người Việt tại Anh

13h45 ngày 31/10 giờ địa phương (20h45 giờ Việt Nam), khi cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính và cộng đồng người Việt Nam tại Anh chưa bắt đầu, phòng Gallery 1 của khách sạn Kimpton (Edinburgh, Scotland, Vương quốc Anh) đã chật kín người. Bà con kiều bào đến từ sớm để mong dự cuộc gặp gỡ thân mật với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Mong sớm mở lại đường bay Việt - Anh

"Mặc dù Edinburgh khá xa so với trung tâm có đông người Việt Nam tại Anh sinh sống và làm việc, nhận được tin Thủ tướng tới Anh thăm và làm việc, các hội đoàn người Việt tại Anh và Ireland đã tề tựu về khán phòng này, cho thấy tình cảm, sự ủng hộ to lớn của cộng đồng với đất nước, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính”, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

Bày tỏ kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Anh Nguyễn Thị Anh Đào cho hay sau 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19, đồng bào Việt Nam tại Anh rất mong muốn được về thăm quê hương.

Đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Anh tham dự cuộc gặp thân mật với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Hoài Vũ.

“Chúng tôi rất hiểu Chính phủ phải lo kiểm soát dịch trong nước, nhưng mạo muội đề xuất khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, Chính phủ sẽ ưu tiên cho nối lại chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Anh”, bà Đào đề xuất.

Chung mong muốn, ông Hoàng Việt Phương (Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh) cho biết sau 2 năm khó khăn vì dịch bệnh, các dự án đầu tư về Việt Nam bị đình trệ, việc đàm phán có nhiều bất cập do không thể gặp mặt trực tiếp. Vì vậy, ông mong Thủ tướng và các lãnh đạo Việt Nam xem xét tạo điều kiện hơn cho việc đi lại giữa hai nước, nhất là mở lại đường bay và nới lỏng cách ly với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine.

“Tôi thực sự rất xúc động khi dự cuộc gặp ngày hôm nay. Thời tiết không thuận lợi, đường sá xa xôi cùng với việc phải áp dụng biện pháp hành chính chặt chẽ trong phòng chống dịch, nhưng đến khán phòng này tôi thấy rất ấm cúng và tình cảm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động phát biểu, sau khi nghe ý kiến của các kiều bào.

Nhắc tới một bài hát mang ý nghĩa “quê hương mỗi người chỉ một”, Thủ tướng cho rằng chỉ cần là người Việt Nam, ở bất cứ đâu, khi nhìn thấy nhau cũng cảm thấy ấm cúng.

Ngược dòng lịch sử, Thủ tướng nhắc lại bối cảnh trong thế kỷ XX, khi Việt Nam là một nước nghèo nàn, lạc hậu, nửa phong kiến. “Sau hàng trăm năm chiến tranh khiến đất nước bị tàn phá, kiệt quệ, chúng ta lại tiếp tục đối mặt với chiến tranh biên giới rồi bị cấm vận, rơi vào tình thế vô cùng khó khăn”, Thủ tướng chia sẻ và nói rằng thế hệ của ông cảm nhận rất rõ sự mất mát, thiếu thốn lúc bấy giờ.

Nhắc lại thời khó khăn ấy, Thủ tướng muốn nhấn mạnh thêm ý nghĩa trong sự vương lên của dân tộc Việt Nam. Cách đây 35 năm, khi đất nước chưa đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chưa đến 100 USD, làm không đủ ăn, thu không đủ chi. Nhưng sau 35 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng lên gần 3.000 USD, và “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, vị thế, uy tín, tiềm lực như ngày nay”.

Bảo vệ người Việt dù ở bất cứ đâu

Khẳng định xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế không thể đảo ngược, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam kiên trì theo đuổi đường lối này.

Đề cao vấn đề nhân quyền, ông cho biết luôn sẵn sàng đối thoại. Theo Thủ tướng, nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”. Theo ông, muốn hòa bình, ổn định, phát triển thì phải có dân chủ, không áp đặt, không xuyên tạc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài là một bộ phận không thể thiếu của đất nước và là động lực của dân tộc. Ảnh: Hoài Vũ.

Nhắc đến bối cảnh năm 2021, Thủ tướng khái quát nhiều sự kiện chính trị quan trọng mà Việt Nam tổ chức thành công dù có dịch Covid-19. Vừa qua, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát cũng khiến cả thế giới bất ngờ và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Ngay như ở Anh, cả năm qua phải đóng cửa và chỉ từng bước mở lại khi dần làm chủ được vaccine. Nước này cũng phải bỏ ra 340 tỷ bảng, tương đương gần 500 tỷ USD, để giải quyết vấn đề liên quan đến dịch Covid-19.

Trong khi đó, Việt Nam phải trải qua thời kỳ rất khó khăn khi dịch diễn biến bất ngờ, khó lường. Nhưng cũng nhờ đó, Thủ tướng cho biết chúng ta trưởng thành và đưa ra lý luận về chống Covid-19 với 3 trụ cột chính là cách ly hẹp, xét nghiệm thần tốc và điều trị từ sớm, từ xa. Cùng với đó là 5K + vaccine.

Hiện nay, các cân đối lớn của nền kinh tế lớn vẫn đảm bảo, thu vẫn đủ chi, lương thực thực phẩm đủ, xuất khẩu vẫn tăng, chỉ có đứt gãy chuỗi lao động do áp dụng biện pháp hành chính.

“Ta chưa có độ phủ vaccine như Anh nhưng ta quyết tâm mở cửa. Anh có 500 tỷ USD để vực lại nền kinh tế nhưng chúng ta không có số tiền đó. Trong điều kiện như thế mà chúng ta đạt được những kết quả trên, thì đấy là Việt Nam”, Thủ tướng vừa dứt lời, hội trường vang tiếng vỗ tay hưởng ứng.

Đến dự Hội nghị COP26, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ có cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu và khó mấy cũng phải thực hiện, vì qua mỗi lần khó khăn, chúng ta lại vươn lên, trưởng thành.

Nhắc đến vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, Thủ tướng đề cập nhiều văn bản quan trọng, trong đó có Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Một lần nữa, ông khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài một bộ phận không thể thiếu của đất nước và là động lực của dân tộc. “Ai là người Việt Nam, dù ở đâu trên Trái Đất này, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ họ khi cần”, Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc lại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rõ việc lấy con người là mục tiêu, trung tâm, chủ thể của sự phát triển, với tinh thần mỗi người tự lo cho mình, tức là lo cho đất nước.

Kết thúc bài phát biểu, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi tinh thần đại đoàn kết dân tộc để giúp đất nước vượt qua khó khăn, xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Hoài Thu (Từ Edinburgh, Scotland, Vương quốc Anh)