Khoa học công nghệ - 'chìa khóa' cho nông nghiệp hiện đại

Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị ngành Nông nghiệp… Đây là nội dung thảo luận tại Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ ngành Nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 10-7.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy, những năm qua, khoa học công nghệ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Nông nghiệp.

Ứng dụng khoa học công nghệ bao trùm tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch… và đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Sản phẩm khoa học công nghệ được trưng bày tại diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận (hoặc tương đương) nhiều loại cây trồng đạt khá, như: Việc tạo ra giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng rộng. Đơn cử như cây cà phê Việt Nam đột phá về năng suất, cao gấp ba lần so với năng suất cà phê trên ế giới; cây điều cung cấp khoảng 40% tổng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến điều của Việt Nam; rau và cây ăn quả liên tục tăng về diện tích, năng suất, sản lượng, chủng loại phong phú...

Về chăn nuôi, hiện nay có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất, bao gồm 11 giống mới, 12 giống ngoại nhập và 31 giống lai tạo. Đặc biệt, vắc xin bệnh Dịch tả lợn châu Phi “Made in Vietnam” chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia: Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar, là niềm tự hào của ngành chăn nuôi nước nhà.

Ngoài ra, trong lĩnh vực thủy sản, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ đã sản xuất hàng loạt giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá chim vây vàng, cá nhụ, cá chiên, cá lăng, chạch chấu, hải sâm, ốc hương và các giống cá nước lạnh…

Các đại biểu tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Tại diễn đàn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã chuối Viba (tỉnh Hòa Bình) Trần Trung Đức cho biết, hiện nay Hợp tác xã chuối Viba là đơn vị sản xuất chuối uy tín, lớn nhất ở miền Bắc, nhãn hiệu Viba (Vietnam banana) đã được đăng ký bảo hộ độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Để cạnh tranh và “sống” được, Hợp tác xã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, toàn bộ chuối tiêu hồng được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; sơ chế, tuyển chọn, đóng gói theo tiêu chuẩn, bảo quản bằng hệ thống kho lạnh, đặc biệt là giấm bằng khí ethylene an toàn...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình ở lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản, 1 mô hình kết hợp trồng trọt - chăn nuôi.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai… Nhìn chung, các mô hình ứng dụng công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thực tế sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa lan. Ảnh: Hương Giang

Tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực cho nông nghiệp

Bên cạnh kết quả, hiện nay việc phát triển khoa học công nghệ còn một số hạn chế: Các khu công nghệ cao và các vùng công nghệ cao trong nông nghiệp dù được xây dựng nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động; doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ nông nghiệp chưa đạt những thành tựu như mong đợi…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình - Thaibinhseed Trần Mạnh Báo kiến nghị, các bộ, ngành cần có cơ chế rõ ràng trong chuyển nhượng sản phẩm khoa học từ nhà nước đến doanh nghiệp, cụ thể và minh bạch để thúc đẩy quá trình chuyển giao, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng kết quả nghiên cứu nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra, cần điều chỉnh cơ chế tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Kết luận diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ê Minh Hoan cho biết, khoa học công nghệ không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ tích hợp đa giá trị trong một ngành với hướng tới mục tiêu giảm chi phí. Ví dụ như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, rồi nông nghiệp xanh, giảm phát thải… nhằm tạo thương hiệu, giá trị gia tăng. Đó chính là hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư tập trung cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm của các đơn vị với quy mô lớn thay vì đầu tư nhỏ lẻ cho từng đơn vị như trước đây nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển, đặc biệt là một số thiết bị hiện đại tương đương khu vực và quốc tế.

Các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng, xúc tiến thương mại... tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Tại diễn đàn diễn ra lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học ngành Nông nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã...